November 03, 2023 | 10:18 GMT+7

Việt Nam - Nhật Bản chung tay phát triển du lịch bền vững

Tường Bách -

Sáng 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ban Tổ chức Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023)...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ cắt băng khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Nhật Bản và 3 phiên họp chuyên đề với những chủ đề được hai bên quan tâm hiện nay: Tăng cường thương mại - đầu tư; Giáo dục - đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực; Hợp tác phát triển văn hóa, du lịch.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Nhật Bản là một trong những thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới với 18 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm trước khi có dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch Nhật Bản với khoảng 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/92023), hai bên đã đạt được nhiều thành tựu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Nhật Bản luôn được xác định là một thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2019, khách Nhật Bản đến nước ta tăng 1,4 lần, từ 671.000 lượt (năm 2015) lên 952.000 lượt (năm 2019), mức tăng bình quân đạt 9,1%/năm.

Việt Nam là một trong những điểm đếnyêu thích của khách du lịch Nhật Bản
Việt Nam là một trong những điểm đếnyêu thích của khách du lịch Nhật Bản

Năm 2022, dù đã mở cửa trở lại từ rất sớm nhưng Việt Nam mới chỉ đón được 128.764 khách Nhật Bản, thấp hơn rất nhiều so với trước dịch Covid-19 do nước bạn rất thận trọng với dịch. Đến năm 2023, lượng khách Nhật Bản đến nước ta đã có sự tăng trưởng trở lại. Trong 8 tháng đầu năm ước tính hơn 414.000 du khách Nhật tới Việt Nam. Con số này chỉ xếp sau du khách Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc).

Du khách Nhật Bản ưa chuộng các hình thức du lịch trải nghiệm văn hóa, di sản thế giới và nghỉ dưỡng. Các điểm du lịch Việt Nam thu hút khách Nhật Bản là Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Huế - Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang, Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM…

Tại Nhật Bản và Việt Nam thời gian qua đều cũng đã diễn ra nhiều hoạt động về văn hóa, du lịch như Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023, Không gian văn hóa ẩm thực, Lễ hội Phở Việt Nam…, được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng. Điều đó cho thấy, hợp tác phát triển du lịch và văn hóa giữa hai nước ngày càng bền chặt, gắn kết và mang lại nhiều kết quả.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản dần trở thành điểm đến được người Việt Nam yêu thích với các điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng. Từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, du khách có thể dễ dàng bay đến các thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Kyoto, Nagoya, Osaka, Kobe... Trước dịch Covid-19, Nhật Bản đã đón khoảng 500.000 lượt khách Việt Nam mỗi năm.

Năm 2022 có 284.000 khách Việt Nam du lịch Nhật Bản, chiếm 7,4% tổng số khách quốc tế đến nước này. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Nhật Bản đưa ra cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường khách tới Nhật Bản lớn nhất. Trong Top 10, Việt Nam đứng vị trí thứ 7, sau Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và Mỹ. Việt Nam xếp trên Philippines, Australia, Singapore. Dự báo tới đây, Nhật Bản vẫn tiếp tục là điểm đến được du khách Việt Nam quan tâm.

Các đại biểu của ngành du lịch hai nước đã có những thông tin và đề xuất trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề của hội nghị.
Các đại biểu của ngành du lịch hai nước đã có những thông tin và đề xuất trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề của hội nghị.

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề Hợp tác về Văn hoá  - Du lịch trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023”, ông Yoshida Kenji, Trưởng Đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam dự đoán lượng khách Việt Nam tới Nhật Bản sẽ vượt mục tiêu 500.000 khách JNTO đặt ra cho năm 2023. “

Môi trường xung quanh ngành du lịch có sự thay đổi lớn do chịu ảnh hưởng nền kinh tế thế giới cũng như giai đoạn hậu Covid-19. Trong bối cảnh đó, chính sách du lịch do chính phủ Nhật Bản mới hoạch định đã xác định phương châm của chúng tôi không chỉ nhắm vào số lượt khách mà còn xúc tiến nhằm gia tăng tiêu dùng của khách du lịch trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản cũng như thu hút khách đến tham quan các địa phương của Nhật Bản”, ông Kenji nói.

“Vì vậy, trong các hoạt động xúc tiến do văn phòng JNTO Việt Nam thực hiện, chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh truyền thông về du lịch cao cấp, du lịch mạo hiểm và tham quan địa phương. Ví dụ như gia tăng các bài đăng về địa phương trên trang Facebook chính thức Cảm nhận Nhật Bản, hay dự kiến tổ chức hội thảo dành cho các công ty du lịch với đề tài “Du lịch cao cấp” vào tháng 1/2024. Kể từ ngày 1/11 vừa qua, các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Hà Nội và TP.HCM sẽ bắt đầu cấp thị thực điện tử cho công dân Việt Nam tham gia các đoàn du lịch trọn gói thông qua các công ty du lịch (hoặc đại lý ủy thác khác) được chỉ định”, ông Kenji cho biết thêm.

Về phía Việt Nam, ông Đinh Ngọc Đức, Trưởng phòng, phòng Hợp tác quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đề xuất 5 giải pháp cụ thể để tăng cường phát triển du lịch bền vững giữa hai quốc gia.

Thứ nhất, duy trì thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa cơ quan du lịch quốc gia hai nước để kịp thời chia sẻ thông tin, đưa ra các chính sách, định hướng phát triển thị trường phù hợp.

Thứ hai, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để kết nối thủ tục đi lại, nhập cảnh cho du khách hai nước, tăng cường kết nối hàng không, nghiên cứu khai trương đường bay, tiếp tục mở rộng các đường bay mới, các điểm đến mới của hai nước. 

Từ 1/11, các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Hà Nội và TP.HCM sẽ bắt đầu cấp thị thực điện tử cho công dân Việt Nam tham gia các đoàn du lịch trọn gói.
Từ 1/11, các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Hà Nội và TP.HCM sẽ bắt đầu cấp thị thực điện tử cho công dân Việt Nam tham gia các đoàn du lịch trọn gói.

Thứ ba, nghiên cứu định hướng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của khách du lịch Nhật Bản và phát triển nguồn nhân lực nói tiếng Nhật từ phía Việt Nam.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác công tư, phối hợp giữa cơ quan du lịch quốc gia hai  nước, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài và các địa phương, doanh nghiệp hàng không… tổ chức các chương trình kích cầu du lịch song phương. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến. 

Thứ năm, hợp tác trong công tác phát triển con người, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, người lao động du lịch, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, từ đó nhu cầu du lịch song phương sẽ phát triển mạnh mẽ, trao đổi khách hai chiều thực sự phục hồi và vượt mức trước đại dịch. 

Đại diện cho phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã giới thiệu khái quát về tiềm năng và những nỗ lực của Lâm Đồng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về văn hoá, du lịch, tăng trưởng xanh…; đặc biệt, là những chương trình hợp tác với Nhật Bản qua hai tổ chức JICA và JETRO.

Hiện, Lâm Đồng đang có nhu cầu hợp tác với Nhật Bản trong Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; thực hiện Quy hoạch vùng và Kế hoạch sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt cần đầu tư về hạ tầng và nguồn lực; hợp tác truyền thông và kết nối tour tuyến để quảng bá văn hoá, khai thác tiềm năng du lịch và các điểm đến yêu thích của du khách…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate