Hội nghị lần thứ 4 về Ô Nhiễm Môi Trường, Các Biện Pháp Phục Hồi Và Quản Lý Môi Trường (ICEPORM 2024) đang diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định, thu hút sự tham dự của hơn một trăm nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và quốc tế, các tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ và quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách môi trường của đất nước, nhằm xác định các lĩnh vực môi trường cấp bách như ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm hóa chất và đánh giá rủi ro ô nhiễm, đồng thời xác định các giải pháp đổi mới công nghệ khả thi.
Ghi nhận vai trò vô cùng quan trọng của khoa học công nghệ trong việc xử lý các vấn đề về môi trường trong cả ngắn hạn và dài hạn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: "Thông qua diễn đàn này, chúng tôi mong muốn chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và hợp tác đưa ra các giải pháp hiệu quả phù hợp với tình hình của Việt Nam".
THÁCH THỨC PHÁT TRIỂN XANH
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của Việt Nam trong những thập kỷ qua chắc chắn đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh rằng thành tựu này đi kèm với tổn thất môi trường ngày càng gia tăng nhanh chóng.
"Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp", ông Thành nói, đồng thời nêu các vấn đề cụ thể như suy thoái cấp độ khu vực, đặc biệt là gần các trung tâm công nghiệp, cùng với áp lực ngày càng tăng của hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Việt Nam đang phải đối mặt với hai mặt của một vấn đề. Một mặt, quá trình công nghiệp hóa cần được tiếp tục thúc đẩy nhanh chóng để duy trì quỹ đạo tăng trưởng. Mặt khác, Việt Nam phải đồng thời giải quyết những mối quan tâm về môi trường để đảm bảo tính bền vững lâu dài. Đây chính là thách thức trọng tâm của việc theo đuổi "tăng trưởng xanh".
Ông cho biết mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước về môi trường vào các kế hoạch phát triển quốc gia. Tuy nhiên, cam kết gần đây nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 đã đánh dấu tham vọng phát triển xanh ở một tầm cao mới. Mục tiêu này đồng nghĩa tái cấu trúc cơ bản nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Quyết tâm là rất cao. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng Việt Nam đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Các ngành công nghiệp lỗi thời, lạc hậu, gây ô nhiễm để lại rất nhiều hệ lụy không dễ giải quyết. Cùng với đó, nguồn lực hạn chế khiến việc đổi mới, nâng cấp công nghệ ngay không thể diễn ra như mong muốn. Chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đòi hỏi đầu tư rất tốn kém, không chỉ gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo mà còn trong việc đào tạo lại và giúp người lao động thích ứng với các lĩnh vực.
Hơn nữa, trong khi cam kết "Net Zero" gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ, một số chuyên gia cho rằng các kế hoạch thực hiện cụ thể và các mục tiêu cụ thể cho các ngành công nghiệp chủ chốt vẫn chưa đủ rõ ràng. Việc thiếu một lộ trình cụ thể cho từng ngành có thể là nguy cơ cản trở niềm tin của nhà đầu tư và làm chậm những thay đổi cần thiết trong thực tiễn kinh doanh.
CÂN BẰNG KHÁT VỌNG KINH TẾ
Một chuyên gia môi trường giấu tên lưu ý đến sự cần thiết của một cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn hơn: "Việt Nam không thể đơn giản nhân rộng các mô hình chuyển đổi xanh của các quốc gia phát triển. Nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất và xuất khẩu, những lĩnh vực thường đi kèm với dấu vết môi trường cao hơn. Một cách tiếp cận theo từng giai đoạn, có mục tiêu cụ thể là điều cần thiết để giảm thiểu sự gián đoạn và đảm bảo công bằng xã hội", vị chuyên gia nói.
Những nội dung tại ICEPORM 2024 đã thể hiện nhận thức cao của Việt Nam về những thách thức phức tạp phía trước. Liệu hội nghị có thể chuyển thành công những hiểu biết khoa học thành chính sách có thể triển khai cụ thể, và cuối cùng là giúp Việt Nam phát triển sạch hơn, xanh hơn, hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, rõ ràng là sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước phụ thuộc vào việc tìm kiếm được điểm cân bằng tinh tế giữa tăng trưởng và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, Việt Nam phải đối mặt với một số yếu tố đặc thù riêng có. Sự đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển nhanh đang thúc đẩy tăng tiêu dùng và kèm theo đó là lượng chất thải tăng nhanh tương ứng. Đường bờ biển dài của mình khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các diễn biến trong thiên nhiên như mực nước biển dâng và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, là một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn, Việt Nam phải đối mặt với áp lực phải cân bằng giữa quản lý tài nguyên nước, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, và thực hành canh tác bền vững để giảm thiểu tác động môi trường trong khi vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho quy mô dân số một trăm triệu người của mình.
Hành trình hướng tới tăng trưởng xanh chắc chắn sẽ đầy thách thức về chính sách và thực thi với nhiều khó khăn hiện hữu cũng như tiềm ẩn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, việc tập hợp các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới tại ICEPORM 2024 đã nêu bật sự sẵn sàng đối mặt với những thách thức này và tiềm năng cho các giải pháp sáng tạo, cụ thể theo bối cảnh phù hợp với Việt Nam.