February 22, 2023 | 17:19 GMT+7

Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghiệp hỗ trợ ô tô Đông Nam Á?

Lê Vũ

Muốn có một nền công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển thì cần có một nền khoa học kỹ thuật cơ bản rất tốt, cần có ngành công nghiệp vật liệu có thể phục vụ sản xuất ra các linh kiện, phụ tùng ngay tại trong nước và cần có các quy định pháp luật, tiêu chuẩn đi kèm để tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, GS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) phát biểu bên lề Hội thảo giới thiệu Triển lãm Automechanika 2023.

Chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thị trường

Năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng ngược dòng của ngành công nghiệp ô tô tại các quốc gia Đông Nam Á. Doanh số ô tô toàn cầu giảm 2% so với năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những bất ổn về kinh tế, chính trị tại một số quốc gia. Nhiều thị trường lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm như Mỹ (-8%), Anh (-5%), Đan Mạch (-19%), Nga (-59%). Trong khi đó, theo số liệu của Marklines, tiêu thụ ô tô tại đa số các quốc gia Đông Nam Á đều ghi nhận tăng trưởng mạnh như Thái Lan (13,7%), Indonesia (18,1%), Malaysia (41%) và Việt Nam (33%).

Với tốc độ này, 4 thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á đang có sự bám đuổi khá quyết liệt. Năm 2022, Indonesia vượt Thái Lan để trở thành thị trường dẫn đầu khu vực về tiêu thụ ô tô với 1,04 triệu chiếc được bán ra. Doanh số ô tô tại Thái Lan tăng trưởng chậm hơn giai đoạn trước đây, nhưng lại gia tăng tỷ trọng xe xuất khẩu. Tính riêng trong năm 2022, quốc gia này đã xuất khẩu 1,03 triệu ô tô sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với Malaysia và Việt Nam, mặc dù doanh số ô tô thấp hơn nhiều, song với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, việc rút ngắn khoảng cách chỉ còn là vấn đề thời gian.

Malaysia
Malaysia "tham vọng" dẫn đầu khu vực về ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Marklines.

Với doanh số ô tô toàn thị trường đạt khoảng 510.000 chiếc trong năm 2022 (chưa bao gồm doanh số của các hãng không công bố thông tin như Audi, Jaguar-Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo), Việt Nam đang dần thoát khỏi “mác” thị trường nhỏ lẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô lại chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Cả nước hiện có 377 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia sản xuất 1.221 loại sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm hoàn chỉnh, 1.131 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Con số này chỉ bằng 1/10 nếu so sánh với Thái Lan.

Một trong những lý do đầu tiên là đến từ sự non yếu của ngành công nghiệp vật liệu, nhà cung ứng cấp 3 trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá lớn với các nguyên vật liệu cần thiết cho ngành ô tô như nhôm (11 tỷ tấn), sắt (1,3 tỷ tấn), thép và đặc biệt là nhựa, cao su. Mặc dù vậy, đa số các sản phẩm hợp kim nhôm, thép hợp kim, nhựa phục vụ sản xuất linh kiện ô tô đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng với tỷ lệ chỉ đạt khoảng 17% và hàm lượng giá trị sản phẩm cung ứng còn rất thấp. Theo Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), một thị trường có sức tiêu thụ trên 500.000 xe/năm là một thị trường hoàn hảo để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ ô tô. Tuy nhiên, con số này phải đến từ sản lượng ô tô sản xuất trong nước, không tính đến xe nhập khẩu nguyên chiếc.

GS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI:
GS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI: "Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam còn gặp vô vàn khó khăn". Ảnh: Lê Vũ.

“Một chiếc xe ô tô có hơn 20.000 chi tiết, linh kiện, phụ kiện, phân loại thành 3 cấp độ cung ứng là Blood Supply, Contact Supply và Market Supply. Chỉ tính riêng tại trụ sở Mercedes ở Stuttgart (Đức) đã có đến 200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là nhà cung ứng ruột thịt (Blood Supply) của hãng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có bất kỳ Blood Supply cho một hãng nào. Bên cạnh đó, các hãng xe lớn trên thế giới đều đặt ra yêu cầu các nhà cung ứng phải có chứng nhận tiêu chuẩn IATF 16949:2016 của Hiệp hội Ô tô Quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 30 doanh nghiệp có chứng chỉ, đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 6 doanh nghiệp có chứng chỉ”, Giáo sư Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI chia sẻ.

Hướng đi nào cho năm 2023?

Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Chủ tịch VASI đề xuất Chính phủ ban hành một đạo luật riêng dành cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó có quy định dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để có định hướng, chỉ tiêu cụ thể và cân đối nguồn lực. Đối với ngành vật liệu, bên cạnh các quy định hiện hành như Luật Đầu tư, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ, cần xem xét và ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện, khả thi và đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy ngành vật liệu trong nước phát triển.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật bởi đây là xương sống của ngành công nghiệp ô tô, cần nâng cao năng lực, chất lượng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu của các đối tác.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam (Vastgroup) cho rằng, doanh nghiệp Việt có nhiều con đường để phát triển trong ngành công nghiệp ô tô. “Thay vì cố gắng chạy đua theo con đường cũ là tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng, chúng tôi ưu tiên phát triển mảng công nghệ phần mềm phục vụ cho các thiết bị thông minh trên ô tô, đặc biệt là các dòng sản phẩm hướng đến xe điện vốn đang có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam”.

Automechanika 2023, cơ hội
Automechanika 2023, cơ hội "mở" dành cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: AM-online.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô còn non yếu, các doanh nghiệp Việt buộc phải liên kết lại để tạo sức mạnh tổng hợp và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cơ hội luôn hiện hữu, đến từ các hoạt động thương mại song phương, đa phương của Nhà nước, các ký kết hợp tác giữa các tập đoàn lớn và Việt Nam và đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại như các triển lãm trong ngành sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội kết nối giao thương.

Trong năm 2023, một trong những Triển lãm thương mại đáng chú ý đó là Automechanika diễn ra tại TP.HCM. Đây là lần thứ 5 Triển lãm thương mại hàng đầu trong ngành ô tô (Automechanika) được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện do Tập đoàn Messe Frankfurt và mạng lưới NC Network Việt Nam phối hợp tổ chức. Dự kiến sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam cùng tham gia. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 23/6 đến 25/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), dự kiến thu hút hơn 10 nghìn khách hàng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Đây sẽ là cơ hội kết nối giao thương rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô trong và ngoài nước. 

“Qua 5 năm tổ chức, hiệu quả rõ rệt nhất mà Triển lãm Automechanika đem lại là nâng cao độ nhận diện thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Thông qua đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt cũng sẽ nắm bắt được các xu hướng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng như ngành công nghiệp ô tô nói chung trong thời gian tới. Điểm nhấn của triển lãm năm nay là xe điện. Đây sẽ là xu hướng phát triển mới trong tương lai. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các cơ hội tại thị trường Việt Nam vào mạng lưới toàn cầu với vai trò là nhà tổ chức triển lãm thương mại hàng đầu khu vực trong ngành công nghiệp ô tô”, ông Calvin Lau, Giám Đốc Công ty Messe Frankf HK cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate