October 03, 2024 | 17:28 GMT+7

Việt Nam ở đâu trong chiến lược đầu tư của các Big Tech vào Đông Nam Á?

Bảo Bình -

Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trên đà trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới...

Việt Nam cùng các quốc gia Đông Nam Á khác đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh minh họa
Việt Nam cùng các quốc gia Đông Nam Á khác đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh minh họa

Sự hiện diện của các “ông lớn” công nghệ không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan, tạo ra việc làm và nâng cao trình độ công nghệ của khu vực.

BIG TECH LIÊN TIẾP CÔNG BỐ CÁC KHOẢN ĐẦU TƯ VÀO ĐÔNG NAM Á

Truyền thông thế giới vừa đồng loạt đưa tin về các kế hoạch đầu tư và phát triển của Google tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, công ty mẹ Alphabet của Google có kế hoạch sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Thái Lan. 

Theo nghiên cứu của Deloitte, khoản đầu tư này của Google có thể giúp nền kinh tế Thái Lan gia tăng thêm 4 tỷ USD vào năm 2029, hỗ trợ 14.000 việc làm hàng năm trong năm năm tới. 

Bên cạnh Thái Lan, Google cũng đã công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD vào Malaysia, dự kiến tạo ra 26.500 việc làm vào năm 2030. Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Utama Zafrul Aziz của Malaysia cho biết chương trình của Google sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ như AI. 

Đây không phải là những khoản đầu tư duy nhất của Google vào khu vực Đông Nam Á gần đây. Và bên cạnh Google, nhiều công ty công nghệ lớn khác cũng đã công bố những kế hoạch đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á. Paetongtarn Shinawatra, Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Thái Lan, nhấn mạnh chính phủ các nước Đông Nam Á đang nỗ lực thu hút các công ty công nghệ nước ngoài.

Chỉ mới ngày hôm qua (2/10), Oracle đã công bố kế hoạch chi 6,5 tỷ USD vào Malaysia, để xây dựng khu vực đám mây công cộng đầu tiên của công ty ở quốc gia này. Cam kết của Oracle được xem là khoản đầu tư lớn mới nhất của một công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á - một khu vực đang nhanh chóng trở thành trung tâm của các dịch vụ đám mây do có đất đai dồi dào, sự hỗ trợ của chính phủ và thị trường đang phát triển nhanh chóng.

Trước đó, Amazon đã công bố kế hoạch trị giá 9 tỷ USD tại Singapore vào tháng 5 năm nay. Microsoft cũng cân nhắc khoảng 4 tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng khác cho khu vực này.

Sự đổ bộ của các “ông lớn” công nghệ vào Đông Nam Á không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của nhiều yếu tố hội tụ. Thứ nhất, thị trường tiêu dùng khổng lồ với dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế ổn định và mức độ tiếp cận internet ngày càng cao đã tạo ra một thị trường tiêu thụ tiềm năng vô cùng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ.

Thứ hai, chính sách ưu đãi hấp dẫn từ các chính phủ trong khu vực, như các ưu đãi thuế, hỗ trợ về đất đai và cơ sở hạ tầng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối cùng, nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, đã cung cấp một lực lượng lao động dồi dào và năng động cho các công ty công nghệ.

VIỆT NAM CẦN TIẾP CẬN ĐÚNG CÁCH VỚI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, TOÀN CẦU HÓA VÀ KHU VỰC HÓA

Với những lợi thế vượt trội này, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trên đà trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Những chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ đến Việt Nam vừa qua cho thấy Việt Nam cũng là một “điểm nóng” trong thu hút đầu tư của các big tech hàng đầu thế giới.

Vào tháng 4 năm 2024, Tim Cook, CEO của Apple, cũng đã đến thăm Việt Nam trong một chuyến công tác kéo dài hai ngày. Trong chuyến thăm này, ông đã gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và thảo luận về việc tăng cường đầu tư của Apple vào Việt Nam. CEO Apple cũng đã gặp gỡ các sinh viên, lập trình viên và nhà sáng tạo nội dung để hiểu rõ hơn về cách họ sử dụng các sản phẩm của Apple

Apple đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, với hơn 200.000 việc làm được tạo ra và nhiều nhà cung cấp đặt tại các tỉnh phía Bắc. Chuyến thăm của Tim Cook không chỉ thể hiện sự cam kết của Apple đối với thị trường Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tim Cook, CEO của Apple, gặp gỡ Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính trong  chuyến công tác hồi tháng Tư. 
Tim Cook, CEO của Apple, gặp gỡ Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính trong  chuyến công tác hồi tháng Tư. 

Trong một sự kiện về bán dẫn tại Hà Nội mới đây, GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho biết tình hình thế giới biến động nhanh chóng, buộc tất cả các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu của mình. Trong đó, các tập đoàn lớn cũng phải thay đổi cách nhìn, chiến lược toàn cầu.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, việc chọn quốc gia để đầu tư hoặc rút lui khỏi một quốc gia đã đầu tư liên quan đến nhiều yếu tố và việc di chuyển sản xuất ra khỏi một quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, chỉ là một phần của xu hướng này.

“Nếu chúng ta khuếch đại tình trạng này, chúng ta sẽ không thể tiếp cận đúng cách với nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và khu vực hóa”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.

Gần đây, Việt Nam cũng đã đón tiếp nhiều lãnh đạo từ các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Nvidia, Qualcomm và Samsung trong sự kiện Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo các công ty như Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel với các nhà lãnh đạo Việt Nam tại sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là minh chứng rõ nét cho những cam kết và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và các công ty. 

Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York vào ngày 25 tháng 9, Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao của SpaceX, tập đoàn hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ tàu vũ trụ, phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, cũng đã đánh giá cao tiềm năng phát triển dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và cho biết dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Những động thái này cho thấy Việt Nam đang được đánh giá cao về tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI, bán dẫn và truyền thông. Điều này mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo hãng tin CNBC, sau nhiều thập kỷ “đóng vai phụ” cho Trung Quốc và Nhật Bản, Đông Nam Á đang thu hút nhiều đầu tư công nghệ hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng các trung tâm dữ liệu, các công ty lớn nhất thế giới sẽ chi tới 60 tỷ USD trong vài năm tới khi dân số trẻ của Đông Nam Á đón nhận phát trực tuyến video, mua sắm trực tuyến và AI tạo sinh.

Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co ước tính khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua tăng lên. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi thị trường dịch vụ dựa trên internet của khu vực lên 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các quốc gia Đông Nam Á cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate