Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, lấy ý kiến.
Trong phát triển hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng viễn thông và IoT, hạ tầng điện toán đám mây, dự thảo nhấn mạnh tới yêu cầu, định hướng phát triển trung tâm dữ liệu. Theo đó sẽ xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và trung tâm dữ liệu điện toán biên kết nối đồng bộ và thống nhất nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Dự thảo Quy hoạch nêu yêu cầu phát triển đến năm 2025, sẽ có khoảng 70% dịch vụ Trung tâm dữ liệu chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Hình thành từ 3- 6 trung tâm dữ liệu quốc gia dự phòng lẫn nhau phục vụ lưu trữ, xử lý và dự phòng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.
Trung tâm dữ liệu quốc gia ưu tiên đặt tại những nơi có quy mô người dùng lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng; các hành lang kinh tế vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có nguồn năng lượng dự trữ, khí hậu lạnh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và giao thông thuận lợi. Một Trung tâm giám sát thông minh các trung tâm dữ liệu tích hợp nằm trong Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử.
Các Trung tâm dữ liệu của Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ ra quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ thu hút các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia đầu tư tối thiểu 1 trung tâm dữ liệu quốc tế ưu tiên đặt tại các Trung tâm tài chính của Việt Nam…
Đến năm 2030, dự thảo quy hoạch đề cập tới việc thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, yêu cầu đến năm 2030, Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực.
Liên quan đến định hướng phát triển Digital Hub, dự thảo nêu rõ sẽ hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối khu vực “Digital Hub”- nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Đến năm 2025 sẽ hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu Hub cho khu vực và quốc tế. Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của Digital Hub.
Hiện nay tại Việt Nam chưa hình thành Digital Hub. Trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản.
Để trở thành Digital Hub của khu vực, các chuyên gia phân tích cần phải đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý; hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy và giá cả phải chăng; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Cùng với đó là các tiêu chí hạ tầng pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân hoàn thiện; sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển nền kinh tế Internet; và sự liên kết, hợp tác quốc tế...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, xét về các điều kiện cần, Việt Nam có một số lợi thế chiến lược phù hợp về mặt không gian lãnh thổ địa lý để trở thành Digital Hub khu vực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 27 Trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với hơn 113.120 máy chủ, tổng diện tích mặt sàn là 173.619 m2 với tổng công suất 15 MW11, tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế, đang cung cấp cho hơn 26.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 60.000 TB dữ liệu. Điều này giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiết kiệm chi phí khi hoạt động trên môi trường đám mây, giúp các đơn vị chuyển đổi số nhanh, hiệu quả hơn.
Các trung tâm dữ liệu này tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, top 5 đơn vị cho thuê hạ tầng trung tâm dữ liệu gồm VNPT, Viettel IDC, FPT và CMC và Hanoi Telecom.
Theo thống kê, trong gian đoạn 2016- 2020 vừa qua, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 12,69%, với quy mô năm 2020 đạt 858 triệu USD. Trong những năm qua, quy mô thị trường này liên tục tăng, từ hơn 532 triệu USD năm 2016 lên hơn 653 triệu USD vào năm 2018 và hơn 728 triệu USD năm 2019.