October 17, 2024 | 19:56 GMT+7

Việt Nam tăng tốc trên lộ trình chuyển sang kinh tế “số và xanh”

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng HSBC, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đã tăng lên nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng thông thường song giá trị thực tế vẫn còn tương đối thấp so với quy mô các thị trường khác ở ASEAN và trong khu vực...

Sự vận động, tăng trưởng và phát triển bền vững của thế giới đang chịu tác động và chi phối mạnh mẽ từ hai cuộc cách mạng công nghiệp Số và Xanh. Thực tiễn thời gian qua đã chỉ rõ, chiến lược chuyển đổi kép Số và Xanh đã tạo ra những kết quả đột phá, không chỉ tối ưu về bài toán đầu tư – chi phí – hiệu quả - và giá trị đạt được, mà còn giúp các quốc gia, các địa phương và doanh nghiệp nắm bắt nhanh các cơ hội phát triển mới.

Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã và đang thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới và trở thành xu thế tất yếu mang tính thời đại, dần thay thế các mô hình truyền thống, vốn tồn tại nhiều hạn chế, không tạo được sự đột phá.

Mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, và đang nổi lên các mô hình kinh tế đêm, kinh tế tri thức, kinh tế chăm sóc… có khả năng tối ưu lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực, khu vực kinh tế, từng cộng đồng và doanh nghiệp. Tính đột phá về năng suất, hiệu quả và đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường tốt hơn từ các các mô hình kinh tế mới, chính là dựa trên nền tảng cuộc cách mạng về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Ngành nông nghiệp được xem là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, trước cuộc cách mạng công nghiệp số và xanh, từ những chủ thể nông dân trên cánh đồng, trong trang trại đến các doanh nghiệp và tập đoàn nông nghiệp quy mô lớn đều phải cùng thay đổi tư duy, chạm tới công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo nhằm cải tiến và thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống phù hợp với xu thế công nghệ cao và phát thải thấp. Tuy nhiên, để thúc đẩy và đạt được hiệu quả cao hơn, cần có những cơ chế đột phá hơn để hỗ trợ ngành nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: "Với những cam kết rất lớn của Việt Nam trong các COP gần đây đã chứng tỏ rằng Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thích ứng với chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp trách nhiệm, minh bạch và gắn chặt với sự thân thiện môi trường. Rõ ràng chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và tác động trực tiếp tới các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp. Chính vì thế mà trong chuyển đổi xanh thì chuyển đổi số là phương tiện quan trọng để thúc đẩy xu hướng này".

 
Ông Ngụy Thanh Vĩ, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Gỗ An Cường
Ông Ngụy Thanh Vĩ, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Gỗ An Cường

"Với hai chiến lược trọng yếu là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, An Cường luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chúng tôi không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế tiên phong trong ngành công nghiệp gỗ, đồng thời cam kết mang đến các giải pháp bền vững, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai".

Với hai chiến lược trọng yếu là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, An Cường luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chia sẻ về hành trình 30 năm phát triển, ông Ngụy Thanh Vĩ, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty cổ phần Gỗ An Cường, cho biết Gỗ An Cường không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế tiên phong trong ngành công nghiệp gỗ, đồng thời cam kết mang đến các giải pháp bền vững, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

Về chuyển đổi số, Gỗ An Cường đã tiên phong ứng dụng hệ thống SAP/HANA, một nền tảng quản trị doanh nghiệp tích hợp, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tài chính và nhân sự. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực, hệ thống này giúp Gỗ An Cường ra quyết định nhanh chóng và chính xác, đồng thời tăng cường hiệu suất hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Song song đó, chuyển đổi xanh cũng là chiến lược quan trọng. Gỗ An Cường tự hào đạt được các chứng nhận như ISO 14064 về giảm phát thải khí nhà kính, GreenLabel và GreenGuard, khẳng định sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Gỗ An Cường cũng đã hoàn thành Giấy phép Môi trường, đảm bảo mọi hoạt động sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các ngành, các lĩnh vực có tính truyền thống cao mà ngay cả với chính ngành công nghiệp điện tử, tin học, công nghệ thông tin.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, công nghệ kỹ thuật số có thể sẽ giúp giảm 15% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên, một mặt trái của ngành công nghiệp điện tử phát triển gần như vũ báo trên thế giới là xu hướng phát triển những con chip nhỏ hay AI đòi hỏi các quốc gia phải phát triển các trung tâm dữ liệu lớn lại là những nơi tiêu thụ năng lượng lớn.

Theo Tổ chức Viễn thông Quốc tế (ITU), ngành ICT sẽ cần giảm ít nhất 45% lượng khí thải carbon vào năm 2030 để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Điều này có nghĩa là cùng một lúc ngành ICT phải giải hai bài toán, một là chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hai là thúc đẩy các ngành khác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI).
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI).

"Ngành công nghiệp điện tử là ngành tiên tiến nhất trong các ngành công nghiệp trên thế giới, luôn ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Mục tiêu của áp dụng công nghệ tiên tiến hầu như là để hướng tới phát triển xanh, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải. Hiện giờ, đối với ngành công nghiệp điện tử thì chuyển đổi số gần như là gắn với chuyển đổi xanh, cũng như là chuyển đổi xanh là kết quả của chuyển đổi số thành công".

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), khẳng định: "Tất cả ứng dụng mang tính tự động hoá cao thì bắt buộc doanh nghiệp phải hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ".

Ngành công nghiệp điện tử là ngành tiên tiến nhất trong các ngành công nghiệp trên thế giới, luôn ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Mục tiêu của áp dụng công nghệ tiên tiến hầu như là để hướng tới phát triển xanh, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải. Hiện giờ, đối với ngành công nghiệp điện tử thì chuyển đổi số gần như là gắn với chuyển đổi xanh, cũng như là chuyển đổi xanh là kết quả của chuyển đổi số thành công".

Trong cuộc cách mạng Số và Xanh, việc tích hợp tài chính xanh, tài chính khí hậu vào chiến lược phát triển sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho các ngành nghề. Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng HSBC, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đã tăng lên nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng thông thường song giá trị thực tế vẫn còn tương đối thấp so với quy mô các thị trường khác ở ASEAN và trong khu vực.

Ông Daniel Small, Giám đốc bộ phận thu xếp nguồn vốn và tài chính bền vững, HSBC Việt Nam, chia sẻ: "Tín dụng xanh cũng chỉ mới tập trung ở một số ngành cũng như một số doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong được chứng kiến những bước tiến mới ở một số lĩnh vực như công bố thông tin, báo cáo và hệ thống phân loại để giúp tài chính xanh và tài chính bền vững lớn mạnh, trở thành xu thế chính và giúp đất nước và chính phủ Việt Nam đạt được cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050."

Rõ ràng, với tiềm lực, vị thế và nhận thức cơ hội mang tính cách mạng để Việt Nam có thể bắt đầu khởi tạo một nền kinh tế mới, kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước. Do đó, nhận thức và nhận diện rõ tính đột phá của hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như đánh giá toàn diện và thực chất thực tiễn triển khai hai công cuộc chuyển đổi này vào thời điểm hiện nay có giá trị vô cùng to lớn và quan trọng. Trên cơ sở đó, mới có thể tạo tính bứt phá trong quan điểm, tư duy và hành động trên cả bình diện cơ chế, chính sách và thực thi.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, Việt Nam cần có những chính sách quy định cụ thể, để xác định được việc hỗ trợ của kinh tế số cho quá trình chuyển dịch xanh, những chính sách mang tính chất quy chuẩn về ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất để chuyển đổi xanh, hỗ trợ quá trình đầu tư vào chuyển đổi số, đồng thời đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

 
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

"Chúng ta rất cần nguồn lực từ các đối tượng khác nhau, đặc biệt là nguồn lực từ Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng, đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế số, xây dựng nền kinh tế xanh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero là xu thế gắn kết tất yếu của thời đại mới".

Chúng ta rất cần nguồn lực từ các đối tượng khác nhau, đặc biệt là nguồn lực từ Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng, đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế số, xây dựng nền kinh tế xanh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero là xu thế gắn kết tất yếu của thời đại mới, là cơ hội để các quốc gia, các nền kinh tế tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực, thúc đẩy đạt được các mục tiêu thịnh vượng và bền vững.

Do đó, năng lực cạnh tranh của các quốc gia, các nền kinh tế, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian tới không chỉ có khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa, mà còn phải thể hiện được tính vượt trội trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi bao trùm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate