Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sáng 11/1.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên…
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, kết quả giảm nghèo đa chiều nhanh, bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến nay là 2,75% năm 2020, qua đó về đích trước 10 năm so với mục tiêu thiêu niên kỷ.
Bộ trưởng thông tin, 5 năm qua cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 27% chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến 31/12 vừa qua có khoảng 79.000 người đi lao động ở nước ngoài).
Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Năm 2020, triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách Nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, các chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN và 77/158 quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ. "Xét về tổng quan trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong các khối ASEAN. Đặc biệt, năm 2020 chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức.
Cùng với đó, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%); chất lượng nguồn nhân lực còn thấp…
Do đó, trong năm 2021, Bộ trưởng cho biết ngành sẽ tiếp tục kiên trì các mục tiêu trước hết là bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu Covid"; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đặc biệt là tập trung vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
"Đây là những vấn đề rất hệ trọng sẽ làm thay đổi căn bản trong quan hệ lao động trong khu vực doanh nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.