Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%.
CHUYÊN MÔN, KỸ NĂNG MỀM ĐỀU CẦN CẢI THIỆN
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam dẫn kết quả khảo sát độc lập của đơn vị này cho thấy, lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Theo ông Sơn, nhân công giá rẻ vừa là điểm thu hút nhưng cũng là điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo khảo sát, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021 do Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng phản ánh, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán, cán bộ kỹ thuật và quản lý, giám sát. Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành.
Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là thực tế khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại khi có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Pouyen Việt Nam Tsai Wen Tsung cho biết, hai vấn đề trọng tâm của Tập đoàn trong thời gian tới là tự động hóa sản xuất và số hóa thông tin. Do đó, Tập đoàn có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn người lao động bản địa có kỹ năng, tay nghề cao trong các lĩnh vực như tự động hoá, công nghệ thông tin... để cùng hỗ trợ quá trình sản xuất và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Việc nâng cấp và chuyển đổi số của ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động chất lượng cao.
Trong bối cảnh khan hiếm lao động của ngành công nghiệp da giày như hiện nay, doanh nghiệp kiến nghị được tạo điều kiện tăng cường hợp tác với các trường đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao. “Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao giúp doanh nghiệp có thể tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong nước. Về dài hạn, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất”, đại diện Pouyen Việt Nam nói.
Cũng thông tin về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, trong 2 năm tới, Vingroup cần 100.000 nhân sự, trong đó có khoảng 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học và khoảng 10% cho khối sản xuất phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
DOANH NGHIỆP CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GIÁ RẺ
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức cho biết, TP. HCM là địa phương có quy mô về lực lượng lao động rất lớn với gần 5 triệu người lao động. Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sau dịch, ông Đức cho rằng, cần thiết phải phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt với những ngành công nghệ cao.
Cùng với đó, cần triển khai các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao thường xuyên, liên tục cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang có việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực lâu dài. “Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ để đưa khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, qua đó nâng cao mức lương chi trả cho người lao động”, ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Với Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá. Từ đó, tỉnh chú trọng cả 5 khâu: Ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo; dạy nghề; dự báo kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng cho làn sóng lao động nhập cư.
Trong số hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, tỉnh có tới 1/3 là lao động nhập cư nên tỉnh chú trọng các giải pháp để phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững.
Từ thực tế địa phương, ông Lê Ánh Dương cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, việc giữ thị phần lao động kỹ thuật trong nước cũng là một giải pháp rất quan trọng. “Cần có quy định về tỷ lệ lao động kỹ thuật giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã đưa lao động của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp”, ông Lê Ánh Dương thông tin.
Ngoài ra, theo ông Dương, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Thực tế các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. “Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương”, ông Dương nhấn mạnh.