May 13, 2021 | 19:27 GMT+7

"Việt Nam thực thi một chính sách khá hiếm về phát triển nhà ở xã hội"

Phan Dương -

Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một quỹ được chỉ định để cung cấp nhà ở xã hội như ở Hàn Quốc...

Ông Moon Hyogon, Giám đốc nghiên cứu Kế hoạch và Quản lý, Viện nghiên cứu Nhà ở và đất đai Hàn Quốc
Ông Moon Hyogon, Giám đốc nghiên cứu Kế hoạch và Quản lý, Viện nghiên cứu Nhà ở và đất đai Hàn Quốc

Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, ông Moon Hyogon, Giám đốc nghiên cứu kế hoạch và quản lý, Viện nghiên cứu nhà ở và đất đai Hàn Quốc bật mí nhiều điều về dự án mà Chính phủ Hàn Quốc tài trợ liên quan đến nhà ở xã hội.

Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ cho dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”. Các ông kỳ vọng gì từ dự án này?

Mục tiêu của chúng tôi đối với dự án này là để thiết lập một hệ thống tài trợ có hiệu quả cho việc cung cấp nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Dựa vào đâu mà các ông lại chọn nhà ở xã hội để bắt đầu?

Chúng tôi cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện nay, Việt Nam có khả năng ngày càng có nhiều người dân di chuyển tới các thành phố lớn để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, các dự án nhà ở tại những thành phố lớn của Việt Nam lại thường tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ đắt tiền. Do vậy, cần thiết phải gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở có giá phải chăng để hỗ trợ về nhà ở cho viên chức, nhân viên văn phòng và những người dân bình thường khác.

Chúng tôi kỳ vọng kết quả của việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được phân bổ đến một số lượng lớn người dân là những người có thu nhập thấp để họ có thể mua hoặc thuê nhà, thông qua việc đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội.

Như đã thấy ở Hàn Quốc, một trong các yếu tố khiến cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thời gian dài là đạt được sự ổn định về nơi ở cho người dân. Nền kinh tế Việt Nam cũng đang chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh bất chấp suy thoái toàn thế giới do Covid-19. Vì vậy, Việt Nam hiện cần tạo được sự ổn định về nơi ở cho người dân để duy trì được việc tăng trưởng của mình.

Hàn Quốc đã trải qua nhiều thử thách và sai lầm khi giải quyết các vấn đề xã hội trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng mong là dự án này sẽ giảm đến mức tối đa các thách thức đó và góp phần vào sự phát triển các chính sách nhà ở có hiệu quả tại Việt Nam.

Một trong những vướng mắc lớn nhất trong công tác phát triển nhà ở xã hội là nguồn vốn. Kinh nghiệm của Hàn Quốc mà các ông có thể chia sẻ là gì?

Ở Hàn Quốc gọi là nhà ở quốc gia, tương đương nhà ở xã hội của Việt Nam.

Từ những năm 1970, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng và cung cấp một số lượng lớn nhà ở quốc gia ưu đãi cho những người không có nhà chỉ trong thời gian ngắn.

Một trong các yếu tố dẫn đến thành công này là nhờ vào việc phát triển cơ cấu tài trợ vốn của nhà nước. Hàn Quốc không chỉ dựa vào ngân sách trung ương và địa phương mà còn sử dụng hoa lợi của công ty tư nhân để tài trợ cho các dự án xây dựng nhà ở quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai một hệ thống cho phép sử dụng ngân quỹ từ khu vực tư nhân bằng quy định: những người muốn nhận được các giấy phép xây dựng hay giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khác, hoặc tiến hành các giao dịch về bất động sản phải mua trái phiếu nhà ở quốc gia. Đồng thời khuyến khích những người mua nhà tiềm năng mở tài khoản bao mua.

Tiền được thu từ trái phiếu nhà ở quốc gia và tài khoản bao mua được tập hợp trong một quỹ hoạt động độc lập được gọi là quỹ nhà ở quốc gia (NHF), chỉ dùng để triển khai nhà ở quốc gia và cung cấp tiền trợ cấp cho việc mua và thuê nhà. Đây là yếu tố chính khác tạo nên thành công trong cung cấp nhà ở tại Hàn Quốc.

Theo ông, các kinh nghiệm đó có phù hợp với Việt Nam không?

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng hết sức quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giúp tăng đáng kể nguồn cung cũng như giúp số lượng lớn người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Việt Nam thực thi một chính sách khá hiếm là yêu cầu các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất hoặc số tiền tương đương để phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một quỹ được chỉ định để cung cấp nhà ở xã hội như ở Hàn Quốc.

Đồng thời cần một hệ thống đăng ký tương tự Hàn Quốc để giúp gia tăng số lượng người tham gia bằng cách khuyến khích những người có nhu cầu mua nhà ở mới hàng tháng gửi tiền (quy định rõ mức tối thiểu) vào quỹ và cấp khoản vay từ quỹ nhà ở xã hội để họ mua nhà.

Theo ông, Quỹ nhà ở này thu hút được bao nhiêu % dân số Hàn Quốc tham gia?

Tính đến cuối năm 2020, khoảng 28 triệu dân, tương đương gần một nửa dân số Hàn Quốc đã mở tài khoản bao mua.

Trong quá khứ, NHF hỗ trợ tiền để phát triển khoảng 30% tổng số nhà ở mới tại Hàn Quốc. Nhưng hiện nay, quỹ được sử dụng để xây dựng nhà ở cho thuê và hỗ trợ những người có nhu cầu mua và thuê nhà ở.

Vậy, ông có chắc rằng những cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội mà phía Hàn Quốc đề xuất cho Việt Nam cũng sẽ triển khai thành công như bên Hàn Quốc?

Như tôi đã nói, mục tiêu của dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam để đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội trong thời gian tới của Việt Nam.

Trong các hợp phần của dự án, hợp phần “Tiến hành khảo sát và nghiên cứu về đảm bảo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Hàn Quốc, chúng tôi rất chú trọng công tác khảo sát về nhà ở nhằm nắm bắt một cách kịp thời tình hình các hộ gia đình thu nhập thấp, các hộ gia đình lớn tuổi, các hộ gia đình trẻ, các hộ gia đình vừa lập gia đình…

Dựa trên dữ liệu khảo sát nhà, các viện nghiên cứu thuộc nhiều loại hình ở Hàn Quốc đã và đang tiến hành nghiên cứu về nhà ở và các chính sách nhà ở khác nhau, trong đó có phân tích thị trường bất động sản và hiệu quả của chính sách tài chính nhà ở.

Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã đề xuất thiết lập một hệ thống mà có thể đưa ra là lưu dữ dữ liệu thống kê đáng tin cậy và các điều kiện về nhà ở như việc khảo sát nhà ở của Hàn Quốc. Nếu xây dựng và áp dụng phù hợp các chính sách về nhà ở, Việt Nam cũng sẽ thành công trong công tác phát triển nhà ở xã hội.

 

"Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng sẽ tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá các kết quả của dự án, làm cơ sở để rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhóm đối tượng này".

Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate