October 21, 2021 | 16:32 GMT+7

Việt Nam trao đổi với gần 80 nước để công nhận "hộ chiếu vaccine" của nhau

Nguyễn Tuyến -

Đây là thông tin được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21/10...

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về việc công nhận giấy chứng nhận vaccine Covid-19 cho người đã tiêm vaccine ở nước ngoài tới Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng – còn được gọi là “hộ chiếu vaccine” – của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.

Việc này được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 1/10 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. 

"Những người có giấy chứng nhận này sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam, được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác vì mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về những vướng mắc và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh. Theo đó, có thể bổ sung giấy chứng nhận “hộ chiếu vaccine” vào trong hồ sơ, quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ ngành.

Trước đó, vào cuối tháng 9,  Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.

Theo Thủ tướng, việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, ngày 4/9, chuyến bay chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Các công dân trên chuyến bay đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.

Toàn bộ hành khách trên chuyến bay cần đáp ứng đủ 2 điều kiện vừa phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh). Đồng thời phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Ở chiều ngược lại, sáng 2/9, Vietnam Airlines đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh). Đây là chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đi châu Âu thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử, với 18 hành khách tham gia thử nghiệm.

Ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử tích hợp các giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học và chứng nhận sức khỏe điện tử với kết quả xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng Covid-19.

Trên thế giới, nhiều quốc gia và khu vực như Nhật Bản, EU đã bắt đầu triển khai "hộ chiếu vaccine". Riêng tại EU, người dân tại 27 quốc gia thành viên có thể qua lại lẫn nhau nếu đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate