July 13, 2021 | 10:23 GMT+7

Việt Nam trở thành "thỏi nam châm hút tiền", vốn ETF vào cao nhất Đông Nam Á

An Nhiên -

Sau những chuỗi ngày rút ròng trong tháng 5, vốn vào các quỹ ETF Việt Nam tích cực hơn từ đầu tháng 6 và tháng 7 trở thành tâm điểm của thị trường Đông Nam Á...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Số liệu thống kê của Chứng khoán KIS cho thấy, sau tháng 5 rút ròng rã, dòng vốn ETF bắt đầu vào Việt Nam ổn định hơn từ tháng 6 và đến đầu tháng 7 Việt Nam trở thành tâm điểm mới của dòng vốn ETF toàn cầu.

Cụ thể, trong tuần đầu tiên của tháng 7, lực cầu khối ngoại đã quay trở lại, giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 3.270 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 10 tháng vừa qua.

Trong khi Singapore và Malaysia sau một thời gian hút ròng đã ghi nhận dòng vốn ETF tiêu cực, thì dòng vốn ETF vào Việt Nam tăng mạnh ghi nhận ở mức 21 triệu USD. Dòng vốn tích cực quay trở lại là do VFMVN30 ETF và VFMVN Diamond thu hút lực cầu đáng kể lần lượt 11,6 triệu USD và 5,8 triệu USD. Đáng chú ý, dòng tiền tại việt nam đã lan rộng trên các ETF chủ đạo và không còn tập trung vào một ETF duy nhất. Chẳng hạn như FUBON FTSE VIETNAM ETF hút ròng 2,1 triệu USD; SSIAM VNFIN LEAD hút ròng 1 triệu USD.

Bước sang tuần thứ hai của tháng 7 mưa ngâu, lực cầu từ khối ngoại tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 2.545 tỷ đồng. Lực cầu tập trung chủ yếu trên các nhóm ngày chủ đạo như Tài chính, Tiêu dùng thiết yếu, và Nguyên vật liệu. Cụ thể, MBB, STB, VCB, MSN, VNM, và HPG được mua ròng nhiều nhất. Bên cạnh đó, Công nghiệp cũng thu hút phần lớn hoạt động mua từ khối ngoại, tập trung chủ yếu trên GEX.

Dòng vốn ETF vào Việt Nam tăng mạnh theo từng tuần trở lại đây. 
Dòng vốn ETF vào Việt Nam tăng mạnh theo từng tuần trở lại đây. 

Xét chung dòng vốn ETF tại Đông Nam Á, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì, ghi nhận ở mức 57 triệu USD, cao nhất trong 2 tháng vừa qua. Dòng vốn tích cực duy trì là nhờ Việt Nam thu hút dòng tiền mạnh trong tuần trước. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đóng góp đáng kể cho dòng vốn tại Đông Nam Á. Còn Singapore tiếp tục ghi nhận dòng vốn tiêu cực.

Dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh ghi nhận ở mức 44 triệu USD, tăng gấp đôi so với tuần trước đó và là quốc gia ghi nhận dòng vốn ròng cao nhất trong khu vực. Trong tuần vừa qua, dòng vốn tích cực tăng mạnh là do lực cầu gia tăng trên Fubon FTSE Vietnam ETF 38,3 triệu USD và VanEck Vietnam ETF 6,1 triệu USD.

Việt Nam là quốc gia ghi nhận dòng vốn vào cao nhất trong khu vực. 
Việt Nam là quốc gia ghi nhận dòng vốn vào cao nhất trong khu vực. 

Đáng chú ý, dòng tiền tại Việt Nam tiếp tục lan rộng trên các ETF chủ đạo. VFMVN DIAMOND ETF hút 1 triệu USD, MAFM VN30 ETF hút 0,8 triệu USD, PREMIA MSCI VIETNAM  hút 0,3 triệu USD. ETF tập trung chủ yếu ở nhóm ngành tài chính chiếm 30%, bất động sản 14% và tiêu dùng thiết yếu 11%.

Tính trong vòng một tháng trở lại đây, FUBON FTSE VIETNAM ETF hút ròng nhiều nhất với giá trị 36,6 triệu USD; VFMVN30 ETF FUND đứng thứ hai với 11,6 triệu USD, VFMVN DIAMOND ETF với 7,8 triệu USD. Tiếp theo là VANECK VIETNAM ETF, MAFM VN30 ETF…

Tính từ đầu năm đến nay, vốn vào FUBON FTSE VIETNAM ETF cao nhất gần 200 triệu USD, VFMVN DIAMOND ETF thứ hai với gần 150 triệu USD, SSIAM VNFIN LEAD ETF đứng thứ 3 với hơn 30 triệu USD.

Việt Nam trở thành "thỏi nam châm hút tiền", vốn ETF vào cao nhất Đông Nam Á - Ảnh 1

Còn theo báo cáo của SSI Research, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, các quỹ ETF hút ròng tới 590 triệu USD, cao gấp 2,6 lần lượng vốn ETF vào cả năm 2020, trong đó riêng quỹ Fubon là khoảng 340 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm vẫn tăng 410 triệu USD và đóng góp vào mức tăng trưởng 27,6% của chỉ số chứng khoán.

Trong những ngày đầu tháng 7, các chuyên gia của SSI Research cho biết, tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực ở các quỹ VFM VN30, VFM VNDiamond và Fubon mua ròng trở lại. Bên cạnh đó, quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới, tuy nhiên quy mô quỹ còn nhỏ (2 triệu USD) và chỉ khoảng 27% tổng tài sản của quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam.

Nhận định về xu hướng của các quỹ ETF,  ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam qua ETF ngày càng lớn hơn, đây là hình thức đầu tư đơn giản, không đòi hỏi mất nhiều thời gian tìm hiểu từng cổ phiếu. Với việc nắm chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư ngoại có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu Việt Nam đã chạm trần sở hữu (room). Mới đây nhất, quỹ đến từ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF hút ròng tổng cộng 37,6 triệu USD, tương đương 872 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này được giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.

Thời gian tới, chứng khoán Việt Nam vẫn có thể thu hút thêm dòng tiền nước ngoài thông qua nhóm này sau một thời gian bán ròng nhờ yếu tố nội tại tích cực như vĩ mô và tình hình Covid sớm được kiểm soát. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate