Các ngân hàng thương mại đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 1/2015. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng cao là điểm đáng chú ý, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015 vừa công bố, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có lợi nhuận trước thuế lên tới 2.273 tỷ đồng, tăng trưởng tới 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,03% cuối 2014 lên 2,23%.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) báo lợi nhuận trước thuế quý vừa qua đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng mạnh từ 0,9% cuối 2014 lên 1,5%, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với bình quân ngành và trong khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2015 ở mức 1.456 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ 2014. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên đáng kể, từ mức 2,3% cuối 2014 lên 2,97%.
Ở ba ngân hàng lớn trên cho thấy, trong quý 1/2015, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục gia tăng khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có con số tuyệt đối lợi nhuận lớn nhất không hẳn là có khả năng phòng thủ với nợ xấu tốt nhất.
Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,5%, nguồn lực dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng khá mạnh từ 4.346 tỷ đồng đầu năm lên gần 5.796 tỷ đồng, gắn với con số tuyết đối nợ xấu 8.085 tỷ đồng.
Tại BIDV, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng cũng tăng mạnh từ 6.623 tỷ đồng đầu năm lên gần 7.600 tỷ đồng, gắn với con số tuyết đối nợ xấu lên tới 10.384 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietcombank dồn tới gần 8.292 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, tăng đáng kể so với 7.043 tỷ đồng đầu năm. Đáng chú ý, lượng trích lập dự phòng nói trên đã tiến gần tới con số tuyệt đối 8.830 tỷ đồng nợ xấu.
Có lợi nhuận thấp hơn cũng như có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với BIDV và VietinBank, song Vietcombank lại có nguồn lực dự phòng với nợ xấu mạnh hơn, hay khả năng tự xử lý nợ xấu cao hơn nhiều.
Đến cuối quý 1/2015, Vietcombank cũng là ngân hàng thương mại đầu bảng trong hệ thống về nguồn trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, có khả năng gần như tự xử lý được hoàn toàn nợ xấu bằng chính nguồn lực dự phòng của mình.
Sang quý 2/2014, dự kiến nợ xấu và áp lực trích lập sẽ tiếp tục tăng lên khi các ngân hàng thương mại sẽ bắt đầu thực hiện các cơ chế phân loại và trích lập dự phòng mới theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09.
Cụ thể, cơ chế cho cơ cấu lại nợ nhưng không phải chuyển nhóm theo Quyết định 780 trước đây sẽ phải dừng lại từ tháng 4/2015. Cùng đó, các ngân hàng buộc phải thực hiện phân loại nợ trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC): khách hàng có một khoản nợ xấu thì các khoản vay tại các ngân hàng khác cũng buộc phải xác định là nợ xấu.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, quý 2/2015 cũng là thời điểm các ngân hàng thương mại phải tập trung hoạt động bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu báo cáo theo đó có thể không phản ánh trực tiếp áp lực nói trên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate