Báo cáo thường niên hiệu suất đầu tư của quỹ VietNam Holding Limited vừa công bố, ông Hiroshi Funaki - Chủ tịch của quỹ cho biết, tổng tài sản của quỹ tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022 là 129,17 triệu USD giảm 35,6% so với 200,4 triệu USD tại ngày 30/6/2021.
Tổng thiệt hại toàn diện là 7,7 triệu USD so với thu nhập đạt được vào năm 2021 là 100 triệu USD. Mặc dù Giá trị tài sản ròng của Công ty đã giảm xuống 129 triệu USD song nhờ quản lý tốt vẫn dẫn đến mức vượt trội tương đối đáng kể so với toàn thị trường.
Trong 6 tháng đầu của năm tài chính, hiệu suất của quỹ tăng 14,1%, và trong nửa năm sau hiệu suất của quỹ giảm 16% so với chỉ số VN-Index giảm hơn 24%. Cho cả năm tài chính kết thúc vào 30/6/2022, hiệu suất của quỹ đã giảm 4,36% trong khi VN-Index giảm 16,5%.
Sau hai năm hạn chế Covid-19, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế vào tháng 4 năm nay. Mặc dù cuộc chiến Nga - Ukraine vào ngày 24 tháng 2 đã gây xáo trộn đáng kể trên thế giới và đổ thêm dầu vào lửa lạm phát ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng tác động trực tiếp đối với Việt Nam dường như không rõ ràng. Thương mại trực tiếp của Việt Nam với Nga chưa đến 1% trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Lạm phát cũng đã không còn là vấn đề lớn đối với Việt Nam vì Việt Nam vốn dĩ nhập khẩu ít dầu khí và có cơ cấu năng lượng đa dạng hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác như thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời cung cấp gần 50% nhu cầu tiêu thụ của cả nước.
Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ so với nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác và mức tăng trưởng GDP công bố mới đây gây bất ngờ trong khi nhiều nền kinh tế khác trên thế giới suy giảm. Một số ngân hàng gần đây đã tăng dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức gần 7%. Với dự báo lạm phát sẽ đạt từ 3,5% đến 4,0% vào cuối năm.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ đợi những tin tức tốt hơn trên toàn cầu để quay trở lại thị trường. Như vậy, sau gần hai năm bán ròng cổ phiếu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng có thể sẽ quay lại mua ròng. Việt Nam chắc chắn là một thị trường vẫn có thể mang lại tăng trưởng thu nhập cao với mức định giá hợp lý.
"Mặc dù tâm trạng toàn cầu đang ảm đạm, chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn là một điểm sáng - một điểm đến đầu tư hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng tốt trong những năm tới", vị này nhấn mạnh.
Tính đến ngày 30 tháng 6, quỹ đưa tỉ trọng tiền mặt về mức 6% cao hơn một chút so với mức 2% -3% thông thường. Top cổ phiếu mang lại hiệu suất đầu tư cao cho quỹ gồm FPT với 11,5% tỷ trọng danh mục, MWG 9,2%; GMD 8,5%; PNJ 8,1%; STB 5,6%.
Như VnEconomy đưa tin, Vietnam Holdings mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát về tình hình đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Quan điểm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ về chứng khoán đặc biệt ảm đạm với chỉ 7% số người được hỏi xem xét đầu tư vào chứng khoán, con số này vào tháng 8/2021 là 47%. Xu hướng này có thể liên quan đến một loạt các vụ bê bối nổi tiếng gần đây liên quan đến các tập đoàn bất động sản và thị trường chứng khoán thao túng, cùng với việc siết chặt kiểm soát vốn đối với lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, bất chấp những biến động này, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về lợi nhuận của họ sau một năm đầu tư.
Trong bốn cuộc khảo sát, hơn 40% người được hỏi mong đợi lợi nhuận từ 11% - 20% và gần 40% mong đợi lợi nhuận từ 20% -50%. Khi quyết định đầu tư, ước tính từ giá trị thị trường và xu hướng chỉ số thị trường là hai nguồn quan trọng nhất trong các cuộc khảo sát, với phân tích từ các công ty chứng khoán và báo cáo tài chính của công ty cũng thường được sử dụng. Hơn 80% số người được hỏi cho biết họ kiểm tra thị trường ít nhất hàng ngày và nhiều người kiểm tra thị trường vài lần mỗi ngày.
"Điều rõ ràng từ các cuộc khảo sát này là bất kể thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động như thế nào, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ vẫn là nguồn động lực chính của thị trường", báo cáo nhấn mạnh.