June 25, 2012 | 08:47 GMT+7

Viettel sẽ tái cấu trúc “theo cách riêng”

Mạnh Chung

Viettel cho biết sẽ không lựa chọn mô hình hội đồng thành viên hay chủ tịch công ty để quản lý, điều hành tập đoàn

Tập đoàn Viettel khẳng định tính ưu việc của mô hình quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc là một sự khác biệt đã đem lại thành công cho Viettel.
Tập đoàn Viettel khẳng định tính ưu việc của mô hình quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc là một sự khác biệt đã đem lại thành công cho Viettel.
Khác với nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ tái cấu trúc “theo cách riêng” là tiếp tục áp dụng mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc.

Viettel khẳng định sẽ không lựa chọn mô hình hội đồng thành viên hay chủ tịch công ty để quản lý, điều hành như nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay.

Chiến lược tái cơ cấu và mục tiêu của Viettel

Tại báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu Viettel đến năm 2015, Viettel khẳng định tính ưu việt của mô hình quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc. Đây là một sự khác biệt được xem là đã đem lại thành công cho Viettel.

Theo đó, ban giám đốc tập đoàn tập trung chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ tập đoàn xuống cơ sở. Tổng giám đốc là người được Nhà nước và quân đội cử ra quản lý, điều hành.

Công ty mẹ trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện dẫn dắt, định hướng, kiểm soát chặt chẽ các đơn vị thành viên thông qua các chiến lược, tài chính, nhân sự cấp cao, đầu tư, mua sắm…

Theo báo cáo tái cơ cấu, Viettel sẽ tiếp tục kinh doanh đa ngành nghề, lấy viễn thông và công nghệ thông tin là ngành kinh doanh chính, đảm bảo tỷ trọng về cơ cấu ngành nghề cũng như cơ cấu vốn đầu tư trong và ngoài ngành kinh doanh chính không thấp hơn 70/30; trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển sang các ngành kinh doanh có liên quan, nhưng đảm bảo mang lại tỷ suất lợi nhận, có lãi như nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, phân phối, bán lẻ, thương mại điện tử, truyền hình, nội dung thông tin, đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính…

Tập đoàn này cũng xác định lấy thị trường trong nước là cốt lõi, đồng thời tận dụng tối đa thế mạnh, nguồn lực để mở rộng hoạt động ra toàn cầu.

Với những chiến lược trên, Viettel đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ nằm trong top 30 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới, 1 trong 10 công ty đầu tư ra quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; đến năm 2020, Viettel sẽ phấn đấu có một thị trường với 1 tỷ dân.

Không chọn mô hình hội đồng thành viên

Mô hình quản lý tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc là chế độ một người chỉ huy dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy Tập đoàn, với nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, nên theo Viettel, việc không tổ chức hội đồng thành viên để quyết sách chủ trương định hướng vốn là quyền của Đảng ủy Tập đoàn.

Lý do mà tập đoàn này không lựa chọn cũng như kiến nghị Chính phủ không nên áp dụng mô hình hội đồng thành viên với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, và vì tổ chức Đảng thực chất đã đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của hội đồng thành viên.

Viettel cho rằng, nếu tổ chức hội đồng thành viên thì vị trí, vai trò của Đảng và hội đồng thành viên chồng chéo, dễ phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết ở cấp thượng tầng, vai trò của tổ chức Đảng bị hạn chế, vì thế nên áp dụng cơ cấu tổ chức gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Với ưu thế của mô hình trên, tại Viettel, từ việc xây dựng chiến lược, người hoạch định chiến lược phải là người trực tiếp tham gia điều hành thực hiện chiến lược, đồng thời người lãnh đạo phải có tổ chất “3 trong 1”, vừa là nhà lãnh đạo, vừa quản lý vừa thực hiện, như thế mới điều hành triệt để, toàn diện, sát sao.

Thành quả rõ ràng nhất cho mô hình quản lý trên chính là tốc độ phát triển, cũng như nguồn doanh thu, lợi nhuận mà doanh nghiệp này đạt được.

Theo báo cáo, tính đến năm 2011, so với năm 2000, khi Viettel chính thức tham gia thị trường, doanh thu tăng gấp 2,2 nghìn lần, vốn chủ sỡ hữu tăng 7,4 nghìn lần, lợi nhuận tăng 15,3 nghìn lần; doanh thu tăng từ 60.608 tỷ đồng năm 2009 lên 117.300 tỷ đồng vào năm 2011.

Ngoài ra, tập đoàn cũng xây dựng được mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thiết bị thông tin quân sự và dân sự; và trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Theo đề xuất của Viettel, nhận thức về đội ngũ lãnh đạo nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp Nhà nước cần phải được đổi mới và nên coi lực lượng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là tinh hoa của đất nước (đóng góp 40% GDP).

Viettel cũng cho rằng, cần có cơ quan quản lý duy nhất giúp Chính phủ tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để tránh tình trạng như hiện nay là rất nhiều bộ ngành tham gia vào quá trình quản lý đối với doanh nghiệp, chồng chéo. Khi có sự việc xảy ra thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate