Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vinacafe, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành cà phê trên toàn thế giới, năm 2022 là năm khó khăn toàn diện đối với Vinacafe, cả về lĩnh vực sản xuất cũng như lĩnh vực kinh doanh.
Kết thúc năm, các chỉ tiêu chính đều không đạt như kỳ vọng ban đầu của Tổng công ty. Toàn Tổng công ty doanh thu ước đạt 1.806 tỉ đồng, đạt 98% kế hoạch; bằng 90% năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước 41 tỷ đồng; lỗ 19 tỉ đồng. Trong đó, Công ty mẹ doanh thu 1.205 tỷ đồng, đạt 83,56% kế hoạch; bằng 92% so với 2021; nộp ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng; lỗ 26 tỷ đồng.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng công ty dự kiến kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,5 tỷ đồng và khắc phục các chỉ tiêu, kết quả kinh doanh cón yếu kém, thua lỗ năm 2022.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn tại về tài chính, quản lý sử dụng đất đai của Tổng công ty; xem xét giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể đến từng công ty thành viên; khuyến khích và có biện pháp trồng xen canh các cây trồng thích hợp trong thời gian kiến thiết cơ bản nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác; chủ động tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển, sản xuất áp dụng công nghệ cao; ưu tiên đầu tư cho trồng tái canh vườn cây cà phê; nghiên cứu phát triển và mở rộng các thị trường tiềm năng, ổn định đầu mối kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm cả chế biến sâu và cà phê nhân xanh tại Công ty mẹ.
Trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu cà phê nhân, Vinacafe cho biết sẽ phát huy sức mạnh tối đa về sản phẩm nông nghiệp tạo ra như tập trung toàn bộ sản phẩm tạo ra từ vườn cây tài sản trên đất thuộc các đơn vị Tổng công ty quản lý. Tận dụng tối đa hệ thống kho, xưởng sẵn có trong nội bộ để chế biến các loại cà phê thành phẩm có chất lượng cao theo nhu cầu của khách hàng.
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vinacafe là một trong số những doanh nghiệp khó khăn nhất của Ủy ban. Trong 4 năm qua, kể từ khi được chuyển giao về Ủy ban, Tổng công ty đã có những nỗ lực, cố gắng để chủ động chuyển đổi, tháo gỡ và bước đầu khắc phục được một phần khó khăn; tuy chưa cắt được lỗ nhưng đã giảm dần lỗ qua các năm.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khi không thể chi phối thị trường, Vinacafe cần không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm mới, hướng đi mới, mạnh dạn chuyển đổi để từ đó mới có thể tồn tại, phát triển và định vị lại được vị thế trên thị trường cà phê.
Vinacafe cần mạnh mẽ và năng động hơn nữa, cần chủ động đưa ra những giải pháp có tính đột phá, kể cả là những giải pháp mang tính chất cơ chế “xin, cho”. Ủy ban luôn ủng hộ và sẽ cùng Vinacafe tính toán để đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trình Chính phủ và các cơ quan liên quan nếu giải pháp đó có tính khả thi cao, có thể giúp Tổng công ty sớm thoát khỏi tình trạng thua lỗ, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Được biết, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Vinacafe có các loại cây trồng chính là cà phê, lúa gạo, cao su và một số cây trồng khác. Toàn Tổng công ty đang quản lý và chăm sóc 16.336 ha cà phê, trong đó Công ty mẹ là 3.575 ha.
Nhìn chung toàn bộ diện tích cây trồng được các đơn vị sản xuất thực hiện tốt công tác đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, tình hình giá vật tư, phân bón tăng cao đột biến, làm ảnh hưởng đến khả năng và mức độ đầu tư của doanh nghiệp cũng như người dân, dẫn đến chất lượng vườn cây và năng suất cây trồng có phần hạn chế.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại và dịch vụ chế biến, Tổng công ty và các đơn vị kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn.
Trong nhiều tháng của năm 2022, giá xuất khẩu cà phê giao động từ 2.000 USD đến 2.340 USD/tấn, tăng giảm khó lường trong từng phiên giao dịch, cộng với ảnh hưởng dịch bệnh những tháng đầu năm trên toàn thế giới và giá cước vận chuyển container tăng gấp nhiều lần đã làm cho hoạt động xuất khẩu thương mại cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, do khan hiếm container nên phải chuyển hướng sang mua hàng nhập kho ngoại quan, giá mua cà phê nội địa được đẩy lên, dẫn đến khan hiếm các hợp đồng giao theo dạng FOB và sản lượng chế biến dịch vụ giảm đáng kể…
Đây chính là những nguyên nhân căn bản khiến Vinacafe thua lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022.