Sau phiên giao dịch "thảm sát" bay 70 điểm hôm qua, Vn-Index một lần nữa chọc thủng mốc 1.300 điểm vào sáng nay 26/4. Toàn sàn có gần 700 mã đỏ rực, thanh khoản vẫn đì đẹt cho thấy chưa có dấu hiệu bắt đáy.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm trong những phiên gần đây, VinaCapital cho rằng, có ba nguyên nhân chính như đã từng đề cập trước đó.
Thứ nhất, vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán và Tập đoàn Tân Hoàng Minh với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu.
Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.
Thứ hai, tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua: Xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. Tại Mỹ, lạm phát tháng 3/2022 đã lên tới 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Một số chuyên gia dự báo Fed sẽ còn tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm 2022.
Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới.
Thứ ba, thị trường chứng khoán thế giới diễn biến không tích cực trong 2 ngày qua. Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 2,8% trong ngày 22/4 do lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 4,9% trong ngày 25/4 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 đã giảm 10,4%, còn chỉ số CSI 300 giảm 22,8%.
VinaCapital tiếp tục cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).
VinaCapital tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg.
VinaCapital cũng luôn duy trì một quy trình đầu tư chặt chẽ, kỷ luật, xây dựng các danh mục đầu tư bao gồm những cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đồng thời, mức độ rủi ro của danh mục luôn được duy trì thấp hơn thị trường chung.
"Khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn. Như Warren Buffett đã từng khuyên: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi", đại diện quỹ nhấn mạnh.