October 22, 2012 | 22:21 GMT+7

Vinalines “trở lại” nghị trường

Nguyên Sa

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính

Giai đoạn 2009 đến nay, Vinalines có một số hạn chế yếu kém, tài chính khó khăn, công nợ lớn, hiệu quả kinh doanh thấp
Giai đoạn 2009 đến nay, Vinalines có một số hạn chế yếu kém, tài chính khó khăn, công nợ lớn, hiệu quả kinh doanh thấp
Vinalines, cái tên đã đã trở nên rất quen thuộc cả ở chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri, sáng 22/10 lại xuất hiện ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 13, không chỉ một lần.

Đầu tiên là ở báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 của Chính phủ.

Trình bày trước Quốc hội văn bản này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.

Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm tại báo cáo tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội nhấn mạnh: “Cử tri và nhân dân kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng…”.

Nguyên nhân sai phạm, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng sai phạm tại Vinalines và biện pháp xử lý cũng là chất vấn đã được đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) gửi đến Thủ tướng vào giữa kỳ họp Quốc hội thứ 3 (tháng 6/2012).

Vinalines “trở lại” nghị trường - Ảnh 1Cử tri và nhân dân kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm

Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thay mặt Thủ tướng có văn bản trả lời đại biểu. Văn phòng Chính phủ tại công văn truyền đạt sự ủy quyền của Thủ tướng đã đề nghị, trước khi Bộ trưởng gửi văn bản trả lời chính thức đến đại biểu Quốc hội gửi dự thảo nội dung đến cơ quan này để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Và, văn bản trả lời chất vấn đại biểu Tâm được hoàn thành sau khi kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đã kết thúc. Bởi vậy, nhiều thông tin tại đây có thể vẫn còn nguyên tính thời sự.

Theo nội dung trả lời, trong giai đoạn 2006 - 2010, với vai trò là tổng công ty 91, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kép của kinh tế thế giới nhưng Vinalines đã giành được những thành tựu đáng kể, sản lượng vận tải biển tăng từ 23 triệu tấn năm 2006 lên 37 triệu tấn năm 2010. Tổng doanh thu từ 7.561 tỷ đồng lên 19.237 tỷ đồng năm 2010.

Giai đoạn 2009 đến nay, Vinalines có một số hạn chế yếu kém, tài chính khó khăn, công nợ lớn, hiệu quả kinh doanh thấp. Trong số các nguyên nhân chủ quan của các hạn chế yếu  kém này có việc một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác không đem lại hiệu quả.

Đồng thời, nội bộ mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế. Một số cán bộ quản lý bị khởi tố, bắt tạm giam gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước.

Các sai phạm của Vinalines, theo văn bản trả lời chất vấn, trách nhiệm trước hết, chủ yếu của tập thể lãnh đạo doanh nghiệp này, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các công ty thành viên và các cá nhân được giao trách nhiệm thực hiện các công việc có liên quan trong giai đoạn 2005 - 2010.

Các bộ, ngành chưa chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động của Vinalines theo quy định, chậm phát hiện các dấu hiệu sai phạm của Vinalines nên cũng có trách nhiệm đối với các sai phạm tại đây.

Vinalines “trở lại” nghị trường - Ảnh 2Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính.

Về biện pháp xử lý, văn bản trả lời chất vấn cho hay, kiến nghị  ở kết luận của Thanh tra Chính phủ đang được khẩn trương thực hiện.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, làm rõ trách nhiệm về việc chậm cập nhật, trình Thủ tướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 và trách nhiệm trong việc đầu tư ụ nổi của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam thuộc Tổng công ty.

Để tránh lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư và đáp ứng nhu cầu sửa tàu biển cấp thiết hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo Vinalines khẩn trương nghiên cứu rà soát để có phương án cụ thể, phù hợp với mục tiêu sớm đưa ụ nổi 83M vào khai thác, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời đại biểu.

Văn bản trả lời chất vấn cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ, xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của tổng công ty và thị trường.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate