September 13, 2010 | 13:53 GMT+7

Vinamilk bán lại nhà máy cà phê cho Trung Nguyên

Hà Anh

Vinamilk đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Nhà máy Cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương

Hiện Vinamilk và Trung Nguyên đang hoàn tất các thủ tục đăng ký với các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.
Hiện Vinamilk và Trung Nguyên đang hoàn tất các thủ tục đăng ký với các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM-HOSE) vừa thông báo về việc chuyển nhượng dự án Nhà máy Cà phê Sài Gòn.

Theo thông tin công bố, Vinamilk đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Nhà máy Cà phê Sài Gòn cho Công ty Cổ phần Trung Nguyên tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan các loại, cà phê rang xay và cà phê đóng lon uống liền.

Hiện Vinamilk và Trung Nguyên đang hoàn tất các thủ tục đăng ký với các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.

Vinamilk cho biết, không có thành viên nào thuộc Ban điều hành hoặc Hội đồng Quản trị có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp trong việc chuyển nhượng này. Lý do chuyển nhượng của Vinamilk, theo bà Ngô Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Vinamilk, là “để tập trung phát huy thế mạnh của mình vào ngành công nghiệp sản xuất sữa”.

Trong khi đó, ông Lê Tuyên, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Trung Nguyên, nói: “Đối với Trung Nguyên, đây là một bước chuẩn bị của cuộc hành trình dài để xóa bỏ những ám ảnh về nghịch lý bất công của ngành cà phê Việt Nam, thể hiện khát vọng của cả một tập thể con người Trung Nguyên, quyết tâm nâng cao vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế”.

Vào tháng 5/2008, Vinamilk từng công bố sẽ bỏ ra 2 triệu USD để quảng bá cho sản phẩm cà phê hòa tan nhãn hiệu Moment (ra đời năm 2005), với mục tiêu đưa thị phần của sản phẩm này từ 5% lên 30% trên thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam vào năm 2010, đồng thời hợp tác quảng bá nhãn hiệu Moment với câu lạc bộ bóng đá Arsenal (Anh). Vào thời điểm đó, thông tin từ Vinamilk cho biết nhà máy cà phê tại Bình Dương có công suất chế biến 1.500 tấn cà phê hòa tan và 2.600 tấn cà phê rang xay mỗi năm, với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD.

Thông tin từ phía Trung Nguyên cho biết, vụ mua lại Nhà máy Cà phê Sài Gòn nằm trong chiến lược hoàn thiện hệ thống nhà máy công nghệ và bí quyết của công ty này, với mức đầu tư 2.200 tỷ VND trong thời hạn 5 năm. Hiện Trung Nguyên đang có 4 nhà máy chế biến cà phê lớn nhất, gồm 2 nhà máy chế biến cà phê rang xay và 2 nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Bên cạnh đó là nhà máy rang xay cà phê của Trung Nguyên (khởi công vào tháng 6/2009 tại Buôn Ma Thuột với mức đầu tư gần 800 tỷ VND) dự kiến đi vào hoạt động trong 3-5 năm tới

Ông Tuyên nói, việc tiếp nhận Nhà máy Cà phê Sài Gòn sẽ nâng tổng công suất sản xuất cà phê hòa tan của Trung Nguyên lên gấp 3 lần so với trước đây.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate