July 01, 2010 | 11:37 GMT+7

Vinashin tái cơ cấu và những ẩn số

Từ Nguyên

Việc Chính phủ cho phép Vinashin tiến hành tái cơ cấu đã đặt ra nhiều câu hỏi trái chiều về hiệu quả hoạt động của tập đoàn này

Sau hơn 4 năm hoạt động, Vinashin bộc lộ không ít những hạn chế trong quản trị tài chính, quản lý các dự án đầu tư.
Sau hơn 4 năm hoạt động, Vinashin bộc lộ không ít những hạn chế trong quản trị tài chính, quản lý các dự án đầu tư.
Việc Chính phủ cho phép Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) tiến hành tái cơ cấu đã đặt ra nhiều câu hỏi trái chiều về hiệu quả hoạt động của tập đoàn này.

Chuyên đề: Toàn cảnh Vinashin

Quyết định về tái cơ cấu Vinashin được ban hành ngay trước thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp Nhà nước phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình mới là công ty TNHH một thành viên, thời điểm mà các mệnh lệnh hành chính liên quan đến tái cơ cấu của cơ quan quản lý hết hiệu lực đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Việc tái cơ cấu này cũng được tiến hành khi mà Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để tiến bắt tay vào việc thanh tra toàn diện tập đoàn này trong tháng 7 này. Như vậy, dù hiệu quả cuối cùng chưa rõ thực hư thế nào, nhưng rõ ràng, với quyết định có phần đột ngột này, câu chuyện tái cơ cấu Vinashin có thể sẽ không dừng lại ở những quyết định.

Chuyển không vì lỗ?

Một trong những đánh giá của Chính phủ liên quan đến hoạt động và các vấn đề tài chính của Vinashin sau hơn 4 năm hoạt động khẳng định, tập đoàn này có nhiều tồn tại trong các hoạt động đầu tư, bố trí, sử dụng các nguồn vốn dàn trải, khiến tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, việc Chính phủ chỉ đạo Vinashin chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài ngành nghề chính của tập đoàn này cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), được xem như một giải pháp cho các khó khăn về tài chính kể trên.

Thế nhưng, trong Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Vinashin được Thủ tướng ký ngày 18/6 vừa qua, trong số 12 doanh nghiệp lớn phải chuyển giao sang Petro Vietnam và Vinalines thì có đến 6 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Vinashin, như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy Đóng tàu đặc chủng và Sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), phần vốn góp của Vinashin ở Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định)...

Theo TS. Nguyễn Quang A, việc chuyển giao những doanh nghiệp, dù có thể vẫn nằm trong nhóm ngành nghề chính của Vinashin, song có thể do hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này không cao, thậm chí là thua lỗ, nợ nần, nên Vinashin đã đề xuất “đẩy đi”?

Mặc dù, theo khẳng định của đại diện các bên tham gia tiếp nhận số doanh nghiệp trên từ Vinashin, dù chưa có định giá cuối cùng, song nhìn chung số doanh nghiệp được chuyển giao đều đang hoạt động có hiệu quả...

Nhận sẽ có lợi?

Trao đổi với VnEconomy, bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Petro Vietnam nói có thể có nhiều ý kiến cho rằng các công ty, dự án đó là những “cục nợ” đối với Petro Vietnam, song đơn vị này lại nghĩ khác.

Theo bà Hòa, việc tiếp nhận này nhiều khả năng sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất định cho Petro Vietnam, bởi trên thực tế, có nhiều dự án trong số đó đã từng được Petro Vietnam đề xuất với Vinashin chuyển giao như Khu công nghiệp Soài Rạp (Tiền Giang), Nhà máy Đóng tàu Dung Quất... nhưng không được chấp thuận.

Tuy nhiên, đại diện Petro Vietnam cho biết, tập đoàn này sẽ thành lập một ban điều hành, định giá các doanh nghiệp và tài sản được điều chuyển từ Vinashin.

“Việc tiếp nhận này là chỉ đạo của Chính phủ, Petro Vietnam phải có trách nhiệm về đồng vốn Nhà nước, nên chắc chắn phải định giá lại. Giá có thể thấp hơn, có thể cao hơn giá trị thật mà Vinashin đầu tư, nhưng đó sẽ là cơ sở để Petro Vietnam tiến hành khấu trừ nợ, cơ cấu lại doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động hiệu quả, có khả năng sinh lời”, đại diện lãnh đạo Petro Vietnam cho biết.

Cũng theo bà Hòa, việc tiếp nhận các dự án từ Vinashin không ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận của Petro Vietnam. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, Petro Vietnam sẽ xem xét kỹ việc có tiếp tục triển khai ngành nghề hay lĩnh vực của các doanh nghiệp, các dự án của Vinashin hay không.

“Có một số lĩnh vực có thể triển khai tiếp sẽ hiệu quả cao, chẳng hạn như một số dự án đóng tàu sẽ góp phần giúp Petro Vietnam trong việc đóng tàu dịch vụ và giàn khoan, nhưng cũng có những dự án cần phải xem xét lại để chuyển đổi”, bà Hòa nói.

* Theo chỉ đạo của Chính phủ, các dự án của Vinashi sẽ được chuyển giao cho Petro Vietnam bao gồm: Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu, Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban quản lý dự án Khu công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy Đóng tàu đặc chủng và Sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang), phần vốn góp của Vinashin trong Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do công ty này làm chủ đầu tư.

7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển giao cho Vinalines bao gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), Khu công nghiệp và Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang; Cảng và Nhà máy Đóng tàu Năm Căn (Cà Mau), Công ty Vận tải Biển Đông, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin và phần vốn góp của Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate