January 08, 2025 | 00:46 GMT+7

VIS Rating: Thông tư 02 hết hiệu lực, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn có thể kiểm soát

Anh Nhi -

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ không còn được phép áp dụng các điều khoản của chính sách đặc biệt (Thông tư 02) được triển khai vào tháng 5/2023. Song theo VIS Rating, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn có thể được kiểm soát trong năm 2025…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo Góc nhìn tín nhiệm ngành ngân hàng vừa được VIS Rating công bố cho thấy đến thời điểm này, các cơ quan quản lý chưa có thông báo về việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nở cho khách hàng sau khi thông tư hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024.

Song theo nhận định của công ty xếp hạng tín nhiệm này, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn có thể được kiểm soát trong năm 2025 bởi tốc độ hình thành nợ có vấn đề đã chậm lại khi dòng tiền hoạt động của người đi vay dần được cải thiện trong cả năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng khả năng trả nợ của người đi vay sẽ tiếp tục được tăng cường trong bối cảnh điều kiện kinh doanh và kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế”, báo cáo nhận định.

VIS Rating: Thông tư 02 hết hiệu lực, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn có thể kiểm soát - Ảnh 1

Thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bắt đầu triển khai vào tháng 5/2023 như một công cụ chính sách nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong kinh doanh và tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Thông qua chính sách này, các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, từ đó giúp họ có thêm sự linh hoạt trong việc trả nợ và có thêm thời gian để tổ chức lại hoạt động kinh doanh và quản lý dòng tiền. Thông tư 02 cũng cho phép các ngân hàng hoãn ghi nhận chi phí tín dụng liên quan các khoản vay được cơ cấu lại đến cuối năm 2024.

Theo NHNN, tổng nợ có vấn đề của ngành ngân hàng – bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC - ổn định ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến tháng 6 năm 2024. Chỉ số này đã ổn định trong năm qua sau khi tăng mạnh 2,7 điểm % trong giai đoạn 2022-2023. NHNN cũng công bố tổng nợ gốc được cơ cấu lại toàn ngành giảm xuống còn 0,9% tổng tín dụng toàn ngành, từ mức 1,2% của cuối năm 2023.

Trong 3 quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn của các ngân hàng nói chung đã chậm lại. Hầu hết các ngân hàng đã bày tỏ sự tự tin rằng dòng tiền trả nợ của khách hàng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ điều kiện hoạt động kinh doanh trong nước tốt hơn. Quy mô các khoản nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể tại một số các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân (ví dụ: TCB, ACB, HDB, VIB).

VIS Rating: Thông tư 02 hết hiệu lực, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn có thể kiểm soát - Ảnh 2

Theo VIS Rating, sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Dẫu vậy, tác động lên kết quả kinh doanh vẫn có thể được kiểm soát đối với các ngân hàng lớn có quy mô nợ tái cơ cấu hạn chế.

Dù vậy, báo cáo nhận định một số ít ngân hàng, ví dụ như VPB, với các khoản nợ tái cơ cấu đáng kể liên quan đến các khách hàng lớn và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ có rủi ro tài sản cao nhất. Những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản vẫn đang vướng mắc các vấn đề pháp lý hoặc nhu cầu thấp tại các dự án mới của họ.

Các ngân hàng này cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn. Chi phí vốn cũng cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ, ví dụ ABB, đã có kế hoạch giảm rủi ro cho vay nhằm giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản và nếu thực hiện sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lãi ròng của các ngân hàng đó.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate