Ngày 26/4/2023, tại ĐHĐCĐ năm 2023, cổ đông của Công ty cổ phần Vissan (mã VSN) đã thông qua kế doanh thu năm nay ở mức 4.100 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế 170 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Cổ tức năm 2023 tỷ lệ 6%.
Kết thúc ĐHĐCĐ có 8/9 tờ trình được thông qua. Tờ trình duy nhất không được thông qua tờ trình về việc thực hiện Hợp đồng thuê lại đất giữa Vissan và CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA). Nguyên nhân là chưa có đủ giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất và chưa bàn giao đúng, đủ diện tích đất cho Vissan.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết kết thúc quý 1 năm nay, Vissan đạt 900 tỷ đồng doanh thu, thực hiện được 22% kế hoạch năm và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do cao điểm Tết âm lịch lệnh pha theo từng năm, lệch pha với tết Dương lịch của 3 tháng đầu năm.
Về lợi nhuận, Vissan đạt được 44 tỷ đồng, thực hiện 24% kế hoạch năm và giảm hơn 3% cùng kỳ.
Ông An nêu nguyên nhân về kết quả tiếp tục sụt giảm là do công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sức mua từ thị trường. Riêng đối với ngành thực phẩm qua chỉ tiêu chung của cả nước giảm hơn 5%, TP.HCM giảm 4%, là một trong những thành phố lớn nhưng thị trường hết sức khó khăn..
Kết quả hoạt động trong năm 2022, Vissan không hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh doanh. Trong đó, tổng doanh thu ở mức 3.876 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm, giảm 10% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2021.
Theo lý giải của Vissan, một số khó khăn trong năm qua như tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các doanh nghiệp cùng ngành, suy giảm tiêu dùng của người dân do lạm phát đã tác động trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Vissan giảm 207 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, ở mức 2.082 tỷ đồng. Giảm chủ yếu ở các khoản tương đương tiền và hàng tồn kho.