January 14, 2023 | 20:19 GMT+7

Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt

Băng Sơn -

Trong khi những chiếc áo có giá lên đến hàng nghìn đô la thì đối với thế hệ trẻ, chiếc vòng choker ngọc trai đã trở thành một biểu tượng địa vị tương đối dễ tiếp cận. Cả hai có chung một nguồn gốc: chúng đều là thiết kế của Vivienne Westwood…

Ảnh: ITV
Ảnh: ITV

Từng phá vỡ nhiều rào cảnh định kiến xã hội cho phái nữ, Corset - áo nịt ngực đình đám của Vivienne Westwood, cùng vòng đeo cổ Bas Relief Choker trở lại thành món đồ siêu hot từ đường phố sang thảm đỏ, dạ tiệc, đến đám cưới và cả các cuộc thi hoa hậu. Các tín đồ thời trang đang lùng sục khắp nơi để kiếm ra dấu ấn đặc biệt này của Westwood. Thậm chí, Depop, một ứng dụng thị trường thời trang nổi tiếng, gần như đã trở thành một mạng xã hội sau khi nhu cầu về thời trang cổ điển tăng lên trong những năm gần đây.

HAI MÓN ĐỒ THỜI TRANG KHIẾN GEN Z MÊ MẨN

Nếu những chiếc vòng cổ quyến rũ của Tiffany & Co. và vòng tay Cartier Love đã thống trị thế giới phụ kiện trong gần 20 năm đầu của thế kỉ 21, thì chiếc vòng cổ choker ngọc trai của Vivienne Westwood Bas Relief Choker đã soán ngôi và thay thế vị trí của hai biểu tượng thời trang kia. Từ những bản phối thời thượng trên phố cho đến các bức ảnh lung linh trên mạng xã hội.

Chuỗi vòng cổ đến từ thương hiệu thời trang nước Anh đã trở thành món đồ được các tín đồ thời trang lăng xê nồng nhiệt nhất trong vòng hai năm nay. Chúng là kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp truyền thống, giá trị lịch sử, nghệ thuật và sự nổi loạn của hai nền văn hóa Anh và Pháp mang tới sự ngạo nghễ cho thời trang cao cấp bất hủ với thời gian.

Cả thế giới đều nhớ đến cặp đôi McLaren và Vivienne đã cùng làm việc để tạo ra một cuộc cách mạng thời trang và có sức ảnh hưởng cho tới ngày nay. “Thời trang có thể giúp thay đổi cuộc sống, và đó là một món quà vị tha tôi có thể mang đến cho người khác. Tôi đến với thời trang với tư cách là một kẻ nổi loạn và thể hiện chúng qua quần áo. Nguồn cảm hứng của tôi thường đến từ những năm 50, vì khi đó là thời điểm mà dường như sự nổi loạn điên cuồng của tuổi trẻ đạt đến đỉnh điểm”, Vivienne Westwood chia sẻ.

Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt - Ảnh 1
Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt - Ảnh 2
 

Với thời trang, bà là nhân vật được yêu mến bởi cá tính mạnh mẽ vượt qua mọi ranh giới. Tình yêu nghệ thuật và những chiếc áo nịt ngực đình đám của Vivienne Westwood đều được thể hiện trong bộ sưu tập “Portrait” vào mùa Thu - Đông 1991. Bà đã lấy cảm hứng trực tiếp từ bộ sưu tập các bức tranh và nghệ thuật trang trí của Pháp ở thế kỷ 18 của Wallace. Đặc biệt là bức Daphnis và Chloe của François Boucher và các thiết kế rococo của đồ nội thất ở thời điểm ấy đã được “hồi sinh” ngay trên những chiếc corset, váy và quần nhung đen. Bằng cách tiếp cận quá khứ một cách đặc biệt vừa hiện đại vừa giữ được chất cổ điển, Vivienne Westwood đã tạo ra những chiếc corset miễn nhiễm với dòng chảy thời trang, những thiết kế mang đến nguồn cảm hứng mới và trở thành món đồ được mọi tín đồ yêu thích đến tận ngày nay.

Sự nổi loạn, bất cần chính là bản sắc Vivienne Westwood. Dù bà bán một chiếc áo thun in mặt nữ hoàng Elizabeth II có ghim băng gài ngang miệng, khiến giới mộ điệu hoảng hồn, thì năm 1992 hoàng gia Anh vẫn tuyên bố trao huân chương công trạng cho bà vì những gì bà đã làm được cho ngành thời trang nước nhà. Bà nhận giải thưởng Queen’s Export, được vinh danh là nhà thiết kế thời trang vĩ đại nhất nước Anh Britain’s Greatest British Fashion Designer và được trao “Huân chương Đế chế Anh” do Nữ hoàng Elizabeth II phong tặng.

Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt - Ảnh 3
Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt - Ảnh 4
Vivienne Westwood: Người đứng sau những trào lưu thời trang gây sốt - Ảnh 5
 

Ở những năm cuối đời, Vivien Westwood vẫn là một “nữ hoàng nổi loạn”, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng cho lối sống bền vững - bà ăn chay trường, quan tâm đến các vấn đề của môi trường, sự ô nhiễm, và nóng lên toàn cầu. Việc ra đi của Westwood có thể được xem là sự kết thúc của một kỷ nguyên vĩ đại trong thời trang Anh.

CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI DẪN LỐI

Vivienne Westwood vốn là một giáo viên trường tiểu học, làm đồ trang sức và có một gian hàng ở khu phố Portobello ở phía Tây London. Sau cuộc hôn nhân đầu tiên kéo dài 3 năm, bà bắt đầu cuộc sống mới với Malcolm McLaren, người quản lý của ban nhạc rock punk Sex Pistols. Kể từ đây, một Vivienne nổi loạn ra đời: “Tôi cảm thấy cuộc đời tôi có rất nhiều cánh cửa định mệnh, và anh ấy có tất cả chìa khoá để mở chúng”. Tại 430 Đại lộ Kings, London, cửa hàng đầu tiên của Westwood ra mắt, bán những thiết mà bà sáng tạo cho Sex Pistols và nhóm New York Dolls.

Cứ mỗi lần giới thiệu BST mới, cửa hàng sẽ đổi tên theo BST. Từ “Let It Rock”, “Too Fast to Live, Too Young To Die” đến “Sex,” “Seditionaries” và “World’s End.” Cứ như thế, một kỷ nguyên của Vivienne Westwood và punk rock bắt đầu. Dù mang cái tên nào thì cửa hàng cũng không bị mất đi nhận diện là địa điểm tạo nên diện mạo cho làn sóng nổi loạn mới ở nước Anh vào thập niên 1970, lấy cảm hứng từ những người chạy xe đạp và cả các cô gái đường phố. Kết quả là những bộ quần áo đính ốc, khóa kéo, rách rưới, cùng các trang sức kỳ quặc, kiểu tóc khác thường và cách trang điểm đậm.

Nhà thiết kế Vivienne Westwood được coi là người có công tạo dựng nên phong cách Y2K.
Nhà thiết kế Vivienne Westwood được coi là người có công tạo dựng nên phong cách Y2K.

Từ một cửa hàng nhỏ, họ phát triển thành một công ty chính quy, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1981 có tên gọi Cướp biển. Tuy nhiên, sự cộng tác của họ chấm dứt trước khi thập niên 1990 trôi qua, nhưng màn chia tay này không đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp Vivienne Westwood. Ngược lại, nhiều thiết kế của bà tiếp tục được ưa chuộng trong thập niên 1990 - 2000 và trở thành những món đồ tạo dựng cho phong cách Y2K. Có thể kể đến những mẫu corset, chuỗi vòng ngọc trai giả gắn mặt hình sao thổ, hay chiếc váy cưới cho nhân vật Carrie Bradshaw trong phim Sex and the City.

Tháng 4/1989, Vivienne xuất hiện trên bìa tạp chí Tatler, hóa thân thành Thủ tướng nước Anh Margaret Thatcher, để phản đối việc khai thác mỏ. Năm 1992, bà không mặc đồ lót xuất hiện tại Cung điện Buckingham sau khi được Nữ hoàng Elizabeth II trao cho Huân chương Đế chế Anh. Đối với Westwood mà nói, bà không quan tâm đến việc người khác đánh giá về mình. Westwood mang tinh thần nổi loạn vào các bộ sưu tập trong suốt sự nghiệp của mình, thường kết hợp biểu tượng punk với các chủ đề nữ tính truyền thống. Bà được xem là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất của phong cách Anh.

Những đổi mới và ảnh hưởng mà Vivienne Westwood đã làm cho thế giới hơn 60 năm qua, kể cả khi bà đã qua đời cuối năm qua, là vô cùng to lớn và những thành tựu đó vẫn sẽ tiếp tục lưu giữ, phát triển trong tương lai. "Thế giới luôn cần những người như Vivienne Westwood để tạo nên nhiều thay đổi tốt đẹp hơn" - hãng thời trang mang tên bà chia sẻ trên Twitter.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate