Không có tin gì xấu bất ngờ nhưng áp lực rút tiền tại nhóm bất động sản quá mạnh đã kéo thị trường rớt 11,4 điểm vào cuối phiên, rơi về vùng giá cách đây gần 1 tháng 1.052 điểm. Độ rộng càng về cuối phiên càng tệ, 303 mã đỏ lửa trên 95 mã tăng. Bán lẻ là nhóm giảm điểm mạnh nhất 2,45% nhưng mức độ khốc liệt lại nằm ở nhóm Bất động sản khi có tới 12 cổ phiếu nằm sàn la liệt gồm DXG, NLG, KBC, DIG...
Chứng khoán cũng điều chỉnh mạnh 2,16%; Ngân hàng giảm 0,77%. Ở nhóm đầu cơ giảm ác liệt gồm Hóa chất - Nhựa giảm 2,5%; Cao su giảm 3,13%, Điện giảm 2,72%. Ở chiều ngược lại, Thủy sản và Vật liệu Xây dựng đỡ thị trường với mức tăng lần lượt là 0,58% và 0,69% nhờ triển vọng tích cực từ giá thép và Chính phủ đẩy mạnh tín dụng cho nhóm thủy sản.
Nhận định về phiên giao dịch hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Yuanta cho rằng bản chất thị trường những phiên giao dịch vừa qua tăng chủ yếu ở nhóm đầu cơ, nhóm bất động sản nên hôm nay đổ sàn bán tháo ở nhóm này là điều bình thường. Trong khi đó, ở những nhóm ngành khác cổ phiếu không bị ảnh hưởng đáng kể, không tăng nhiều cũng không chịu áp lực điều chỉnh lớn.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường cũng không có quá nhiều thông tin hỗ trợ, giai đoạn tháng 5 thường là tháng vùng trũng thông tin, ngoại trừ đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh cũng không nhiều khả quan nên tâm lý nhà đầu tư đi theo xu hướng nhìn từng nhóm cổ phiếu hơn là tình hình chung của cả thị trường.
"Trong những phiên gần đây thị trường có trạng thái tích lũy trở lại và dòng tiền phân hóa hơn, mua bán theo dòng chứ không theo xu hướng chỉ số tăng giảm như trước, với một trạng thái như vậy thị trường khó có thêm những nhịp giảm sâu mà sang tuần có thể tích lũy ở vùng này", ông Minh nhấn mạnh.
Về xu hướng dòng tiền, bản chất là dòng tiền đầu cơ nên vào nhanh ra cũng nhanh nhưng không phải là rút ra khỏi luôn mà khả năng cao là đang đứng ngoài canh chờ về mức điều chỉnh phù hợp, đủ dấp dẫn để tiếp tục quay lại và tạo thành một sóng mới. Tức là dòng tiền sẽ không rút mà đánh luôn phiên ở những nhóm đầu cơ tăng nóng như bất động sản.
"Dòng tiền có khuynh hướng chủ yếu tập trung vào nhóm có thanh khoản cao, bản chất lướt sóng mua bán ngắn là chủ đạo giai đoạn này và tình trạng này có thể kéo dài cho đến tháng 5 thì lúc đó nhóm này mới kết thúc chu kỳ sóng và bước vào chu kỳ có tính cơ bản", theo Giám đốc phân tích của Yuanta.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, nhóm nền tảng cơ bản, kế hoạch kinh doanh tăng trưởng tích cực sẽ không phải là động lực hút dòng tiền. Bởi đâu đó nhà đầu tư vẫn tâm lý thận trọng với vĩ mô còn nhiều rủi ro, kinh tế dự báo suy thoái. Sau chu kỳ suy thoái thị trường bước vào hồi phục thì dòng đầu cơ sẽ thu hút đầu tiên.
Vốn ngoại rút ròng liên tục trong hơn một tuần trở lại đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền trong nước chùn tay. Phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng 216 tỷ đồng chủ yếu xả VNM, PVD, VPB và tập trung gom nhóm bán lẻ như VRE, PNJ, MSN. Lũy kế tuần qua khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng dòng vốn ETF nói riêng và dòng vốn ngoại nói chung sẽ lại vào mạnh trong 6 tháng cuối năm 2023.
Thứ nhất, đối với quỹ chủ động: Các quỹ truyền thống được vận hành bằng con người thì quý 2 là thời điểm cấu trúc xong danh mục, giảm tỷ trọng cổ phiếu bất động sản xuống, qua giai đoạn này các quỹ chủ động dôi dư tiền mặt tốt hơn và giải ngân mua ròng trở lại.
Thứ hai, với quỹ bị động: Khả năng cao 6 tháng cuối năm các ETF huy động tốt dựa trên kỳ vọng cao thị trường tăng cuối năm, lúc đó quỹ ETF dễ huy động ròng hơn so với bây giờ. Giai đoạn tháng 11/2022 - tháng 1/2023 ETF huy động ròng là do thị trường các nước khác tăng tốt, thị trường Việt Nam giảm và đi ngang nên định giá hấp dẫn dễ hút ròng tiền.
Hiện tại, chứng khoán Việt Nam tăng lại, giá chứng chỉ quỹ tăng và tỷ lệ Premium không còn hấp dẫn để mua nữa. Tuy nhiên, các ETF sau thời điểm tháng 6 họ sẽ quay lại mua ròng.
"Tổng thể chung khối ngoại mua ròng trở lại vào thời điểm 6 tháng cuối năm 2023", ông Minh nhấn mạnh.