Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng 28% so với sáng hôm qua trong đó HoSE tăng hơn 24%. Dù không có cổ phiếu trụ nào mạnh xuất sắc, nhưng đà tăng lan tỏa rộng đã đẩy VN-Index tăng 0,51% vượt qua đỉnh cao nhất 2 tháng, thoát khỏi vùng dao động tích lũy kéo dài.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, duy nhất VPB tăng được trên 1%, đạt mức +1,06%. Còn lại VCB tăng 0,85%, BID tăng 0,94%, VIC tăng 0,45%, CTG tăng 0,55%, FPT tăng 0,1%. Hai mã giảm là VHM giảm 0,11% và GAS giảm 0,13%.
Có thể thấy nhóm trụ không thật sự mạnh, nhưng điểm số vẫn tăng khá tốt nhờ số lớn các blue-chips tầm trung khác. VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,6% với 20 mã tăng/5 mã giảm, trong đó 10 mã tăng hơn 1%. Các cổ phiếu tầm trung trong rổ này là GVR, STB, ACB, MSN, SAB, SSB, TCB tăng tích cực và tham gia kéo điểm số đáng kể. Độ rộng toàn sàn HoSE ghi nhận 284 mã tăng/136 mã giảm.
Xu hướng tăng sáng nay từ chỗ chậm chạp sau đó tăng tốc. Đây có thể là hiệu ứng của phiên cuối năm khi nhu cầu kéo NAV của các quỹ thường xuất hiện. Dù vậy độ rộng thể hiện đà tăng lan tỏa là rất tích cực chứ không chỉ bó hẹp ở nhóm blue-chips. Trong 284 cổ phiếu tăng giá của VN-Index có 63 mã tăng trên 1% với thanh khoản chiếm 33,6% tổng khớp của sàn. Một số mã giao dịch khá ấn tượng là NVL tăng 2,69% thanh khoản 246,3 tỷ đồng; STB tăng 1,63% với 237,4 tỷ; MBB tăng 1,08% với 145,7 tỷ; ACB tăng 1,26% với 144,9 tỷ; DXG tăng 1,31% với 142,8 tỷ; VIB tăng 1,02% với 117,5 tỷ; CII tăng 3,26% với 106 tỷ.
Điểm nhấn sáng nay là thanh khoản đã tăng lên khá tốt, tổng khớp hai sàn đạt 6.273 tỷ đồng là cao nhất 12 phiên. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài giao dịch yếu với tổng giá trị giải ngân trên HoSE mới đạt 316,6 tỷ đồng tương đương 4,6% tổng giao dịch sàn này, mức mua ròng khoảng 2,6 tỷ. Như vậy thanh khoản tăng lên là do dòng vốn trong nước tăng. Đây là tín hiệu tích cực vì những ngày cuối năm đang chứng kiến mức thanh khoản sụt giảm. Việc VN-Index đột phá thành công ngưỡng kháng cự kéo dài 2 tháng với 2 lần tạo đỉnh là một thông điệp có khả năng củng cố tâm lý lạc quan.
Hầu hết các nhà đầu cơ trong hai tháng qua quen với kiểu giao dịch lướt sóng bán ra tại ngưỡng kháng cự và bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ, từ đó hình thành một vùng dao động đi ngang. Nhịp điều chỉnh nhanh giữa tháng 12 xuất phát từ hiệu ứng đầu cơ này. Nếu VN-Index đột phá thành công, nhà đầu cơ sẽ không thực hiện chiến lược giao dịch như vậy nữa và các nhà đầu tư thận trọng khác cũng sẽ tự tin hơn để gia nhập thị trường.
Hiện tại các áp lực từ khối ngoại đã không còn như vài tuần trước cũng góp phần làm giảm sức ép từ bên bán. Nguồn tiền trong nước đỡ tốn sức hơn trong việc hấp thụ khối lượng này. Đây cũng là lợi thế tự nhiên vì để đẩy giá cổ phiếu lên cần nguồn lực, khi sức ép càng nhỏ thì cơ hội tăng càng thuận lợi.
Các số liệu vĩ mô năm 2023 vừa công bố sáng nay cũng cho thấy cơ hội tăng trưởng đã cải thiện đáng kể, dù mức tăng trưởng cả năm kém xa so với mục tiêu hồi đầu năm. Điều quan trọng là đang có sự cải thiện theo từng quý, từng tháng, đồng nghĩa với cơ hội cho quý 1/2024 và thuận lợi. Thị trường chứng khoán ưa thích các dự phóng cũng như kỳ vọng, nên những tín hiệu sớm là một “lý do” tốt để thị trường khởi sắc.