Chứng khoán VnDirect vừa có báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8/2021 trong đó chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường gần như đã tạo đáy.
Cụ thể, theo VnDirect, kể từ khi làn sóng thứ tư bùng phát ngày 27/04/2021, Việt Nam đã ghi nhận 62.750 ca nhiễm COVID-19 mới trong nước, gấp 22 lần so với tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trước đó. Số ca nhiễm mới mỗi ngày trong những ngày gần đây đã lên tới hàng nghìn ca, so với chỉ vài chục ca mỗi ngày trong ba đợt bùng phát trước đó.
Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam và thủ đô Hà Nội để ngăn chặn sự lây lan của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4. Khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao trong những ngày gần đây thì nhiều khả năng sẽ phải kéo dài giãn cách xã hội thêm một vài tuần nữa, và điều này khiến cho thị trường chứng khoán khó hình thành một đợt tăng giá vững chắc trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, thị trường đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, mặc dù thanh khoản giảm trong tháng 7/2021 nhưng chưa nhìn thấy dấu hiệu dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường. Lượng tiền gửi của nhà đầu tư để tại các công ty chứng khoán cuối quý 2/2021 đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 32,3% so với thời điểm cuối quý 1/2021. Điều này cho thấy nhà đầu tư luôn chực chờ gia nhập thị trường một khi cơ hội xuất hiện.
Thứ hai, đến ngày 2/8/2021, 700 công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, tương ứng gần 40% tổng số cổ phiếu và 85% tổng vốn hóa toàn thị trường. Theo ước tính, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 66,0% so với cùng kỳ từ mức thấp của quý 2/2020 (lợi nhuận ròng giảm 12,5%). Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn tăng 75,3% so với cùng kỳ, tăng trưởng lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tính trên các doanh nghiệp đã công bố.
Trong đó, doanh nghiệp khai khoáng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2021 so với mức lỗ trong cùng kỳ nhờ mức nền thấp của quý 2/2020 và giá nguyên vật liệu cơ bản tăng cao. Doanh nghiệp thép duy trì giá bán và sản lượng ở mức cao, từ đó ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng 326,0%. Doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 tích cực nhờ mức nền thấp và nhu cầu đối với nhà ở phục hồi khá rõ nét trong nửa đầu năm 2021.
Yếu tố hỗ trợ thứ 3 là định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn. Tính đến ngày 29/7/2021, P/E của chỉ số VN-INDEX ở mức 16,5 lần, tương đương với mức bình quân 5 năm lịch sử và thấp hơn tới 25,7% so với mức định giá tại đỉnh 2018 là 22,2 lần. VnDirect dự báo lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 27%/năm trong giai đoạn 2021-2022, vượt trội so với mức 12% trong giai đoạn 2017-2020.
Theo ước tính của VnDirect, chỉ số Vn-Index đang được giao dịch với mức P/E forward 2021 là 15,8 lần. Trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam là thị trường có mức định giá rất hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.
“Định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá hấp dẫn so với thời điểm cuối tháng 6 cũng như so với mặt bằng khu vực. Chúng tôi dự báo chỉ số Vn-Index giao dịch trong vùng 1.250-1.350 điểm trong tháng 8/2021. Vùng 1.250-1.270 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-INDEX trong tháng 8/2021. Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ, ưu tiên những cổ phiếu dẫn đầu thuộc những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong thời gian tới như Bất động sản, Bán lẻ, Logistic”, VnDirect nhấn mạnh.