June 24, 2024 | 18:53 GMT+7

VN-Index giảm mạnh nhất thế giới, điều gì đang diễn ra?

Thu Minh -

VN-Index mở đầu tuần bằng một phiên giảm mạnh nhất thế giới. Theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta, siết margin là một trong những lý do chính...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VN-Index mở đầu tuần bằng một phiên giảm mạnh nhất thế giới. Chỉ số ngay đầu phiên đã đỏ lửa, càng về cuối phiên tốc độ bán tháo càng dữ dội thổi bay gần 28 điểm (-2,18%) chỉ số lùi về vùng 1.254 điểm trong khi đó VN30 giảm hơn 30 điểm. UPCoPM mức độ sát thương nhẹ hơn 1,53 điểm. Số cổ phiếu giảm gấp 5 lần số mã tăng. Trong đó, Chứng khoán trở thành nhóm giảm mạnh nhất 4,53% với hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng.

Thanh khoản ba sàn hôm nay tăng mạnh chủ yếu do lực bán chủ động xuyên suốt từ đầu tới cuối phiên, gần 35.000 tỷ đồng cao nhất trong nhiều tháng, trong đó khối ngoại vẫn bán ròng mạnh 925 tỷ đồng chủ yếu xả FPT gần 600 tỷ đồng.

Nhận định về thị trường hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc khối phân tích và Nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng có một số lý do chính.

Thứ nhất, hai tuần qua thị trường đi ngang trong bối cảnh các ETF cơ cấu, đáo hạn phái sinh, dòng tiền tập trung ở nhóm đầu cơ UPCoM tránh nhóm vốn hóa lớn nên đây là phiên "trả điểm". Thứ hai, tuần này là thời điểm các quỹ chốt NAV quý và 6 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh khối ngoại bán ròng xuyên suốt cả giai đoạn vừa qua nên xu hướng giảm điểm là có thể xảy ra trong tuần chốt NAV. 

Đặc biệt, đây là thời điểm các công ty chứng khoán chốt số margin để báo cáo Ủy ban Chứng khoán, những công ty cho vay 3 bên siết tỷ lệ nên gây áp lực thị trường chung.

"Rủi ro đoạn này là nhóm UPCoM vì nhóm này biên độ khủng khiếp, trần sàn liên tục, lưu ý nhóm này thanh khoản thấp nên khi đoạn tăng vừa rồi tôi vẫn hay cảnh báo nhà đầu tư, nếu biết vừa đủ thì nhanh chóng dừng sớm, cố chấp thì khi giảm sàn muốn bán lại không bán được. Chưa kể penny vừa rồi cũng tăng nóng tăng hot, mặc dù vậy vẫn có  những cổ phiếu nền tảng cơ bản, câu chuyện chuyển sàn, thoái vốn thì giá tăng cũng không phải lo", ông Minh nói.

Về kịch bản cho thị trường, theo Giám đốc phân tích của Yuanta, hai vùng hỗ trợ cứng gồm 1.230 và thấp hơn là 1.200. Xu hướng trung và dài hạn từ nay đến cuối quý 3 thị trường vẫn đi lên nhưng cần thêm 1 thời gian giảm nữa trước khi thiết lập mốc mới. 

Đối với nhóm công nghệ, viễn thông, hàng loạt mã lao dốc trong phiên hôm nay. VTP của Viettel Post giảm kịch sàn 6,9% xuống 89.000 đồng/cổ phiếu. CTR của Viettel Construction cũng có thời điểm chạm giá sàn, trước khi thu hẹp đà giảm và đóng cửa giảm 5,7% xuống 151.000 đồng/cổ phiếu. VTK của Tư vấn và dịch vụ Viettel giảm gần 7% xuống 86.500 đồng/cổ phiếu. Tương tự, VGI của Viettel Global giảm 5,4% xuống 104.000 đồng.

Cổ phiếu hot nhất thời gian qua là FPT giảm 2,6% trong khi khối ngoại bán ròng gần 600 tỷ nữa. 

Mặc dù vậy, nhận định về nhóm này, theo ông Minh, đây chưa phải là giai đoạn phân phối. Thị trường tạo trend xấu thì nhóm này có thể giảm vài phiên nhưng giảm là cơ hội mua vào bởi đây là nhóm tăng trưởng không chỉ tính theo phiên hay tháng mà phải tính bằng năm. Điều chỉnh là để đi lên tiếp. 

Tín hiệu xấu là nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhóm công nghệ, đà bán này sẽ dừng cho đến khi giá FPT hoặc những cổ phiếu công nghệ nói chung càng giảm mạnh. Nguyên nhân là khi cổ phiếu FPT tăng vượt tỷ trọng theo quy định trong danh mục của các quỹ, ví dụ quy định tỷ trọng lớn nhất 20% nhưng giá tăng vượt thì họ phải bán bớt để đảm bảo tỷ trọng về 20%. Nên có thể không muốn nhưng bắt buộc vẫn phải bán. "Do đó, nhóm này điều chỉnh là để đi lên tiếp chưa phải lúc lo lắng", ông Minh nhấn mạnh. 

Chuyên viên phân tích của Chứng khoán VnDirect cũng đưa ra ba kịch bản cho thị trường. Ở kịch bản tích cực, đây là nhịp rũ bỏ để thị trường bước vào chân sóng mới với điều kiện ngay mai hoặc chậm nhất là thứ 4 thị trường hồi phục, thanh khoản cao hơn trung bình 2 phiên gần nhất, khớp lệnh hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho thấy độ tin cậy cao. Nhà đầu tư ưu tiên tập trung vào cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn vì khi VN-Index vượt 1.300 điểm rất cần nhóm này dẫn dắt dòng tiền. 

Kịch bản 2: Lực bán mạnh dòng tiền không đủ vào, thị trường về vùng 1.250 sau đó quay lên 1.280 và tiếp tục sideway, phân hóa. "Kịch bản xấu nhất, ngưỡng 1.250 điểm chốt chặn cuối cùng bị phá vỡ thì cần hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 30%", chuyên viên VND khuyến nghị. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate