Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán mới đây, BSC cho rằng Vn-Index không thể vượt 1.300 điểm trong năm 2024.
Theo đó, ngày 19/09/2024, FED đã gây bất ngờ khi hạ 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành sau cuộc họp FOMC – chính thức bước vào chu kỳ nới lỏng sau thời gian dài chờ đợi của giới đầu tư.
Trước đó, ngày 18/09/2024, Bộ Tài chính cũng đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi các nội dung liên quan đến “pre-funding” và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, cơ sở pháp lý quan trọng để các thành viên thị trường đáp ứng nhu cầu giao dịch/tiếp cận thông tin của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tiến gần hơn đến mục tiên nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025.
Mặt khác, ngày 24/09/2024, Chính phủ Trung Quốc ban hành một loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm khôi phục niềm tin người dân trong nước cũng như thị trường bất động sản - điều này đã ngay lập tức tạo hiệu ứng tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ.
Nhìn chung, bối cảnh vĩ mô trong nước và thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, ủng hộ cho xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường cần sự xác nhận của dòng tiền để có thể bước vào một nhịp tăng sau thời gian dài ở trong diễn biến giằng co.
VN-Index nhiều khả năng sẽ có cơ hội kiểm định lại ngưỡng kháng cự mạnh 1,300 điểm sau khi thất bại nhiều lần trước đó, tuy nhiên rủi ro địa chính trị có thể sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, BSC Research dự báo các kịch bản cho VN-Index năm 2024 gồm Kịch bản Tiêu cực VN-Index tiệm cận 1.200 điểm, Kịch bản tích cực hướng đến 1.425 điểm. Kịch bản cơ sở 1.298 điểm với xác suất cao hơn cả.
Trước đó, trong tháng 9, t hanh khoản trung bình trên cả 3 sàn đạt 17.737 tỷ đồng/phiên, giảm 4,54% so mới tháng 8. Thanh khoản thị trường trong tháng 9 chưa có dấu hiệu khởi sắc, tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trong bối cảnh vùng trũng thông tin và nhà đầu tư đang chờ những thông tin rõ ràng hơn như kết quả kinh doanh Q3/2024.
Nhà đầu tư cá nhân trở lại mua ròng trong tháng 9. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, tuy nhiên giá trị bán ròng ghi nhận thu hẹp so với tháng 8.
Dịch vụ tài chính là nhóm ngành có hiệu suất cao nhất tháng 9/2024 do vấn đề “pre-funding” được tháo gỡ. Ở chiều ngược lại, ngành truyền thông và bảo hiểm là nhóm ngành có hiệu suất thấp nhất tháng 9.
Ngân hàng và Tài nguyên cơ bản là những nhóm ngành thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong tháng 9. Với nhà đầu tư nước ngoài, Công nghệ Thông tin và Dịch vụ tài chính là nhóm ngành được mua ròng mạnh nhất.
Về dòng vốn ETF, trong T9/2024 ETF ngoại rút ròng hơn 33.1 trUSD trong đó tập trung ở ETF Fubon (-25.4 tr.USD), ETF VNM (-4.4 tr.USD), ETF FTSE đảo ngược khi rút 3.2 tr. USD. Lũy kế 9 tháng năm 2024 nhóm ETF ngoại rút ròng 338.5 triệu USD trong đó tập trung ở ETF Fubon (-199 triệu USD), ETF iShare (-61 triệu USD) – liên quan đến sự kiện BlackRock giải thể quỹ, ETF FTSE (-56 triệu USD). Điểm đáng chú ý là ETF Fubon (quy mô lớn nhất thị trường ETF) tiếp tục có xu hướng rút ròng và chưa có tín hiệu dừng lại. Tính trong 2024, Fubon đã rút ròng 6/9 tháng với quy mô trung bình 44 triệu USD/tháng.
ETF nội:chuyển sang trạng thái mua ròng nhẹ 0.3 triệu USD trong đó điểm sáng là ETF Diamond khi đã tăng ròng 9.4 triệu USD, ở chiều ngược lại áp lực rút ròng tiếp tục hiện hữu khi ETF E1 (-7.9 triệu USD), ETF Finlead (-1.1 triệu USD). Tính trong 9T24, nhóm ETF nội đã rút ròng tổng cộng 505 triệu USD trong đó ETF Diamond rút 354 triệu USD (chiếm trên 70% tổng giá trị rút ròng), ETF Finlead rút 79.5 triệu USD, ETF E1 rút 72.2 triệu USD.
Nhóm nhà đầu tư Thái Lan trong T09/24 tiếp tục gia tăng lượng chứng chỉ DR đối với ETF Diamond và giảm đối với ETF E1, cụ thể đối với ETF Diamond đã tăng 0.85 triệu chứng chỉ quỹ, ETF E1 giảm 1.9 triệu chứng chỉ quỹ theo tháng.