Cụ thể, trong báo cáo chiến lược thị trường quý 3/2021, Chứng khoán BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường.
Ở kịch bản thứ nhất, VN-Index duy trì hồi phục từ đáy ngắn hạn 1,243 điểm, tích lũy quanh 1,350 điểm và kiểm tra lại đỉnh ngắn hạn 1.420 điểm. Kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh sớm trong tháng 8, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và khối ngoại quay lại mua ròng là yếu tố nâng đỡ thị trường. Kịch bản này được đánh giá ở 60%.
Kịch bản thứ hai, VN-Index điều chỉnh sau nhịp hồi phục nhưng không giảm dưới 1.270 và VN-Index sau đó tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm. Vận động giá xoay quanh 1.320 điểm vào cuối tháng nếu khả năng kiểm soát dịch bệnh không thuận lợi và khối ngoại không duy trì đà mua ròng như trong tháng 6. Kịch bản này được đánh giá ở 40%.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong quý 3 bao gồm: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, duy trì chính sách tiền tệ, các giải pháp an sinh nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định, ban hành và thực thi các chính sách mới.
Ngoài ra, khối ngoại đã trở lại mua ròng trong tháng 6, các ETFs huy động được vốn mới. Giải pháp xử lý sự cố giao dịch trên Hose thành công mở đường cho việc giao dịch lô 10 cổ phiếu trên HOSE sẽ tạo thanh khoản cho thị trường trong tương lai.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới với các biến chủng mới, và Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp giãn cách để kiểm soát đợt bùng phát thứ tư cùng với căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Nga – EU, Trung Quốc – Đài Loan – Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Trong tháng 7, Vn-Index giảm 6,99% trong khi HNX-Index giảm 2.63%. P/E giảm mạnh từ 19.2 xuống 16.5 (-14%) từ mức giảm 6,9% VN-Index và - 7% từ mức cải thiện lợi nhuận quý 2. P/E tương đương với mức P/E bình quân 5 năm (16.52 lần) và giữ ở mức thấp so với khu vực châu Á. BSC dự báo P/E VN-Index tăng lên mức 17.5 trong tháng 8.
BSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích như Điện, nước, điện thoại, viễn thông. Bán lẻ thực phẩm nhóm ngành không bị ảnh hưởng mà còn hưởng lợi từ các biện pháp giãn cách xã hôi.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu nhờ nhu cầu thế giới hồi phục, điển hình như Hóa chất, Đá, Gỗ, May mặc. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới, nhóm ngành Logistic gồm Cảng biển, Vận tải, Kho bãi. Nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt và giá đã điều chỉnh khá như Ngân hàng, Thép, Chứng khoán.
Đồng thời, cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông.