March 31, 2024 | 09:49 GMT+7

VNBA kiến nghị vay dưới 1 tỷ đồng không phải khai báo thông tin người có liên quan

Hoàng Lan -

Góp ý Dự thảo Thông tư về quy định cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề xuất nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ từ 100 triệu đồng lên 400 triệu đồng và khoản vay dưới 1 tỷ đồng không bắt buộc khai báo thông tin về người có liên quan để phù hợp với thực tế...

VNBA kiến nghị khách hàng vay từ 1 tỷ đồng trở lên mới cần khai báo thông tin về người có liên quan.
VNBA kiến nghị khách hàng vay từ 1 tỷ đồng trở lên mới cần khai báo thông tin về người có liên quan.

VNBA vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức tín dụng đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về quy định cho vay của tổ chức tín dụng. Trong đó, nổi bật là vấn đề nâng hạn mức khoản vay giá trị nhỏ, báo cáo thông tin về người có liên quan của khách hàng vay vốn.

KHOẢN VAY DƯỚI 1 TỶ ĐỒNG KHÔNG BẮT BUỘC PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VỐN KHẢ THI

Dự thảo Thông tư có bổ sung Khoản 13 Điều 2 của Thông tư 39 như sau: “Khoản cho vay có mức giá trị nhỏ là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam.”

Theo đó, VNBA đề nghị quy định khoản vay có giá trị nhỏ là khoản có giá trị dưới 400 triệu đồng để phù hợp với thực tế và phù hợp với những giao dịch lớn (từ 400 triệu trở lên) phải báo cáo Thủ tướng theo Quyết định số 11/2023QĐ-TTg.

VNBA cũng kiến nghị quy định rõ về “khoản cho vay” là “Hợp đồng tín dụng” hay “Khế ước giải ngân từng đợt”, giới hạn 100 triệu đồng được tính riêng hay tính cho toàn bộ các khoản cấp tín dụng được liệt kê tại Khoản 2 Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và hướng dẫn trường hợp khách hàng đề nghị vay bổ sung vốn cho phương án vay đã thực hiện trước đó nên tổng dư nợ vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng sẽ trên 100 triệu đồng đồng hoặc tổng giá trị các khoản cho vay cùng một phương án vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng trên 100 triệu đồng thì khoản cho vay bổ sung phát sinh sau có được coi là khoản cho vay có giá trị nhỏ không, cũng cần phải làm rõ. 

 

"Ngân hàng Nhà nước cần xem xét quy định đơn giản hơn cả về hồ sơ, thủ tục chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, mục đích sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ".

(Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 của Thông tư 39 về điều kiện vay vốn: “… Có phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ”. 

Theo đó, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung quy định các khoản cho vay lớn hơn mức giá trị nhỏ (100 triệu như dự thảo hoặc 400 triệu như đề xuất của VNBA) nhưng dưới 1 tỷ đồng theo phương thức hạn mức thấu chi, có mục đích phục vụ đời sống hoặc khoản vay cầm cố 100% bằng thẻ tiết kiệm (không phụ thuộc giá trị) thì không bắt buộc có phương án sử dụng vốn khả thi để tiết giảm thủ tục và phù hợp với thực tế/nhu cầu của đời sống hiện nay.

ĐỀ XUẤT THU HẸP PHẠM VI KHAI BÁO THÔNG TIN NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN CỦA KHÁCH VAY

Dự thảo Thông tư có bổ sung khoản 14 Điều 2 của Thông tư 39 như sau: “Người có liên quan của khách hàng là tổ chức, cá nhân có quan hệ với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.”

VNBA cho biết hiện nay, Thông tư 22/2019/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đang dự thảo sửa đổi định nghĩa về người có liên quan, không quy định cụ thể mà dẫn chiếu định nghĩa người có liên quan theo quy định tại Luật Các  tổ chức tín dụng.

“Tuy nhiên, tại công văn số 8798/NHNN-TTGSNH ngày 14/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ, trong đó xây dựng bổ sung các tiêu chí xác định một khách hàng và người có liên quan đối với nhóm khách hàng có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro như: (i) Nhóm khách hàng chung tài sản bảo đảm hoặc chung một chủ sở hữu tài sản bảo đảm; (ii) Nhóm khách hàng được cấp tín dụng tập trung vốn vào một dự án; (iii) Nhóm khách hàng có chung nguồn trả nợ; (iv) Nhóm khách hàng có cùng người quản lý, người sở hữu trên 5% vốn điều lệ”, báo cáo của VNBA nêu.

Và như vậy, tổ chức tín dụng có bắt buộc phải đưa các tiêu chí bổ sung tại công văn 8797 để xác định người có liên quan (ngoài các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng) hay không? Nếu bắt buộc thì tổ chức tín dụng tính giới hạn cấp tín dụng cho người có liên quan theo tiêu chí tại Luật Các tổ chức tín dụng hay tiêu chí tại công văn 8798?, VNBA đặt vấn đề.

Theo VNBA, việc xác định người có liên quan rất phức tạp và khó khăn. Do đó, hiệp hội này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu khách hàng khai báo thông tin về người có liên quan đang có dư nợ vay tại tổ chức tín dụng và/hoặc tổ chức tín dụng khác (nếu khách hàng có thông tin).

KIẾN NGHỊ VAY TỪ 1 TỶ ĐỒNG TRỞ LÊN MỚI PHẢI KHAI BÁO THÔNG TIN VỀ NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN

Dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 9 Thông tư 39 như sau: “Thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.…Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng…”

VNBA đề nghị sửa đổi lại như sau: “Thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp khoản cho vay có mức dưới 1 tỷ đồng” thay vì là khoản vay có giá trị nhỏ (mà theo dự thảo thông tư sửa đổi hiện nay chỉ là tối đa 100 triệu đồng).  

VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong thông tư nội dung sau: “Thông tin người có liên quan của khách hàng sẽ theo kê khai của khách hàng và không phải cung cấp thêm các giấy tờ, hồ sơ chứng minh. Khách hàng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc kê khai thông tin về người có liên quan và tổ chức tín dụng xác định giới hạn dư nợ cấp tín dụng dựa trên kê khai của khách hàng”.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng điều này sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách hàng và giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu việc phải xác minh một khối lượng người có liên quan rất lớn.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung hướng dẫn đối với các tình huống: (i) Khách hàng không cung cấp thông tin, không cập nhật thông tin về người có liên quan khi đề nghị vay vốn. (ii)  Thông tin về người có liên quan có thể thay đổi so với thời điểm tổ chức tín dụng phê duyệt cho vay, tuy nhiên khách hàng không cập nhật các thay đổi thông tin về người có liên quan trong quá trình sử dụng vốn khó khăn cho ngân hàng trong việc đánh giá, kiểm soát tuân thủ.

Để cắt giảm thủ tục/thời gian xử lý cấp tín dụng cho khách hàng, VNBA đề xuất chỉ thu thập một số thông tin định danh cơ bản của cá nhân, tổ chức, lược bỏ nội dung thu thập thông tin địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật đối với người có liên quan là tổ chức.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate