August 27, 2024 | 13:22 GMT+7

VNDirect: Tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối vào cuối năm

Thu Minh -

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nhận định của VnDirect, áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, theo đó nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.

Chỉ số DXY chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8 nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, trong đó CPI nhích tăng 0,2% trong tháng 7/2024 so với giảm 0,1% trong tháng 6/2024, phù hợp với dự báo, và tăng 2,9% so với cùng kỳ.

PCE lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước  và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 114.000 trong tháng 7/2024 so với mức điều chỉnh của tháng 6/2024 là 179.000 và dự báo là 185.000, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, đạt mức cao nhất kể từ T10/21.

Sau khi công bố số liệu việc làm ảm đạm, chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 103 trước khi phục hồi nhẹ, trong khi kỳ vọng của thị trường vào việc Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào T9/24 đã giảm xuống 26,5% từ mức hơn 90% trước đó khi kỳ vọng về mức cắt giảm cao hơn ở 50 điểm cơ bản tăng vọt lên 73,5% vào ngày 05/08.

Việc chỉ số DXY giảm mạnh thời gian gần đây không chỉ giúp hạ nhiệt tỷ giá USD/VNĐ mà còn hỗ trợ tỷ giá các đồng tiền khác trong khu vực. Kể từ đầu năm, trong khi VNĐ mất giá 3,4% so với USD thì Nhân dân tệ Trung Quốc (-0,7% tính từ đầu năm), Rupiah Indonesia (-3,5% tính từ đầu năm), Ringgit Malaysia (+3,9% tính từ đầu năm) và Baht Thái ( -2,9% tính từ đầu năm).

Nếu như Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2024, áp lực từ thị trường ngoại hối đã giảm đáng kể kể từ đó, chủ yếu đến từ việc chỉ số DXY suy yếu và chênh lệch giá vàng dần được thu hẹp sau những biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, vào đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu. Nhìn chung, VnDirect dự báo tỷ giá duy trì xu hướng hạ nhiệt về cuối năm với kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới, qua đó khiến đồng USD tiếp tục suy yếu, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại cao 14,5 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024, vốn FDI thực hiện dồi dào tăng 8,4% so với cùng kỳ và kỳ vọng vào dòng kiều hối mạnh mẽ trong Quý 4.

Với những diễn biến thuận lợi hiện tại, VnDirect dự báo tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng về dưới 25.000 VNĐ sẽ xảy ra sớm hơn trong kịch bản tích cực.

Tính đến ngày 9/8, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tăng lên 4,96%/năm, tăng 0,05 điểm % kể từ đầu tháng và +0,02 điểm % tính từ đầu năm. Trong khi lãi suất huy động tăng vừa phải trong tháng 7 do tăng trưởng tín dụng so với đầu năm chỉ ở mức 5,66%, tốc độ tăng trưởng lãi suất huy động kể từ đầu tháng đã tăng 0,05 điểm %, khiến lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện tại vượt 0,02 điểm % so với mức cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, trong khi tín dụng tăng 5,66% tính đến cuối tháng 7, giảm 0,34 điểm % từ mức 6,0% trong 6T24, tín dụng đã cải thiện từ mức chỉ 5,3% tính đến ngày 17/07 (-0,7 điểm % sv 6,0% trong 6T24). Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng đã phục hồi từ giữa tháng 7 trở đi, vì vậy lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng vừa phải trong tháng 7.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có sự chuyển hướng đáng chú ý về chính sách tiền tệ vào đầu tháng 8 sau động thái giảm cả lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu xuống 4,25%/năm từ mức 4,5% trước đó.

Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi cả lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu đều được tăng lên 4,5% từ mức 4,0% và 3,9% tương ứng hồi đầu năm.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, theo đó nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu bơm ròng 13,1 nghìn tỷ đồng 524 triệu USD qua kênh OMO trong tuần thứ hai của T8/24 sau khi hút ròng 45,7 nghìn tỷ đồng (1,8 tỷ USD) trong tuần trước đó. Tính đến ngày 09/08, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng lũy kế 37,9 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD).

VnDirect kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ giảm dần về cuối năm, và sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tín dụng. Do đó, điều chỉnh dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,2- 5,3% vào cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3-5,5% trong báo cáo chiến lược giữa năm trước đó. Sự thay đổi dựa trên khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN sẽ có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate