Trong nửa đầu năm 2024, giá trị ngành hàng tiêu dùng thiết yếu ở hầu hết các mảng chính gồm sữa, thức ăn, đồ uống đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy sức tiêu thụ người dân vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, bước vào nửa cuối 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các ông lớn ngành hàng này có vị thế tốt để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đã có trước đó nhờ vào pha phục hồi tiêu dùng chung của nền kinh tế đi kèm thị phần cao hơn đã xây dựng được từ nửa đầu năm 2024.
Trước đó, theo Kantar Worldpannel, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị ở hầu hết các mảng chính trong ngành tiêu dùng thiết yếu đều tăng trưởng âm do tâm lý người tiêu dùng vẫn trì trệ.
Tuy nhiên, các ông lớn ngành này ghi nhận tăng trưởng doanh thu ngược dòng với thị trường chung, cụ thể VNM tăng 5,7%, MCH tăng 11,6% nhờ vào hiệu quả các chiến lược quảng cáo, đẩy mạnh khuyến mãi ở các đại lý, tăng phạm vi phủ sóng, qua đó hỗ trợ tăng thị phần ở cả nội địa và ngoài nước. Ngoài ra, bức tranh tiêu dùng chung yếu, người dân nhạy cảm hơn về giá cũng giúp các mặt hàng VNM vốn đặc tính giá rẻ được ưa chuộng hơn.
Về VNM, chiến lược “thay mới bao bì” & “thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo” từ cuối năm 2023 của VNM đã phát huy hiệu quả cho nửa đầu năm 2024. VNM cũng đẩy mạnh khuyến mãi tại các điểm lẻ, đại lý thời gian qua nhằm tăng tính cạnh tranh đóng góp tăng thị phần.
Về MCH, Công ty đã thành công trong việc thu hút thêm nhiều khách hàng, tương đương với tỷ lệ thâm nhập trong dân cao hơn liên quan đến việc sử dụng sản phẩm Masan, nhờ vào phạm vi phủ sóng rộng hơn của hệ thống Winmart và một số chính sách bán hàng tích cực (nhiều ngân sách tiếp thị/khuyến mãi hơn) mà MSN thực hiện để kích thích việc nhập hàng tại từng điểm bán hàng.
Luận điểm ở trên được thể hiện qua tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu thuần của hai Công ty này đều đã ghi nhận tăng trong vài quý trở lại đây.
VDSC cho rằng các ông lớn ngành hàng thiết yếu đang ở một vị thế thuận lợi để duy trì đà tăng trưởng trong H2-2024. Cụ thể hơn, tiêu dùng chung nội địa sẽ cải thiện nhờ chính sách cải cách tiền lương, tác động trễ của chính sách tiền tệ, sự khôi phục tốt từ hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu trong H1-2024, tăng thu nhập và niềm tin tiêu dùng cho H2-2024.
Đối với chính sách cải cách tiền lương, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chính thức phê chuẩn việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Quy mô ngân sách dành cho chương trình cải cách tiền lương năm 2024 ước tính khoảng 1,2% tổng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ và 0,7% quy mô GDP hiện hành năm 2023.
Với chính sách tiền tệ, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã nhích tăng trở lại, lãi suất cho vay bình quân vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa cuối năm 2024. Do đó, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng vẫn có thể hưởng lợi phần nào từ yếu tố này.
VDSC bày tỏ kỳ vọng các ông lớn này sẽ giữ vững thị phần cao, đã xây dựng được trong nửa đầu năm 2024 nhờ duy trì các chính sách khuyến mãi ở điểm bán và hiệu quả từ các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị trước đó. Mặc dù vậy, cũng chỉ kỳ vọng mức cải thiện khoảng 0,5-1,0% trong năm 2024 do mức thị phần của các ông lớn này đã ở ngưỡng giới hạn trong nước.
Lưu ý rằng tiêu dùng chung ở nửa cuối năm 2024 nhìn chung vẫn vấp phải các điễm nghẽn khiến tăng trưởng khó ở mức cao, chẳng hạn sức mua tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu còn kém, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI, qua đó tạo ít việc làm, thu nhập người dân Việt Nam, thị trường Bất động sản vẫn trì trệ.
"Tăng trưởng doanh thu nội địa của các ông lớn này nhìn chung khó đạt mức đột biến – 2 chữ số", VDSC nhấn mạnh.