Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có báo cáo về thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức doanh nghiệp năm 2015, trong đó, lần đầu tiên mức lương của ban lãnh đạo VNPT được công bố.
Theo báo cáo, tiền lương thực hiện (mức lương tối đa 1,4 lần lương kế hoạch) năm 2015 của Chủ tịch VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, là 600.600.000 đồng, trong đó có 3 tháng lương Tổng giám đốc khi ông còn đảm nhiệm chức vụ này (147.000.000 đồng) và 9 tháng cho chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (453.600.000 đồng).
Trong khi đó, tổng lương thực hiện của Tổng giám đốc VNPT, ông Phạm Đức Long, là 575.400.000 đồng, trong đó ông Long cũng lĩnh 3 tháng lương ở vị trí Phó tổng giám đốc là 134.400.000 đồng và 9 tháng lương khi ông đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc sau đó, là 441.000.000 đồng.
Như vậy, tổng lương thực hiện năm 2015 của Chủ tịch và Tổng giám đốc VNPT là 1,17 tỷ đồng.
Ngoài hai vị trí trên, báo cáo quỹ tiền lương 2015 của VNPT còn gồm các thành viên Hội đồng Thành viên, các phó tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng, trong đó có nguyên các lãnh đạo như ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (đã nghỉ hưu từ tháng 3/2015), ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc (nghỉ hưu từ tháng 8/2015).
Tổng quỹ lương cho ban lãnh đạo của VNPT năm 2015 (14 người) là 6.432.160.000 đồng, tương đương lương thực lĩnh trung bình của mỗi người xấp xỉ là 460 triệu đồng.
VNPT cho biết, nguyên tắc trả lương của VNPT được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 9/9/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý và các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2015.
Trước đó, trong một báo cáo khác, VNPT đánh giá, mức tiền lương, tiền thưởng của viên chức quản lý doanh nghiệp đang thấp hơn mặt bằng tiền lương, tiền thưởng trên thị trường và chưa quy định phân loại mức tiền lương, tiền thưởng theo quy mô và hiệu quả của tập đoàn.
Đồng thời tập đoàn cũng kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định để tăng mức tiền lương tiền thưởng của viên chức quản lý doanh nghiệp tiệm cận mặt bằng tiền lương, thưởng trên thị trường và quy định phân loại mức tiền lương, thưởng theo quy mô và hiệu quả của doanh nghiệp.
Trong một bài viết trước đây trên VnEconomy, một lãnh đạo VNPT từng “than thở”, do hiện vẫn phải áp dụng cơ chế lương theo khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không có được cơ chế lương đặc thù nên doanh nghiệp khá thua thiệt so với đối thủ của mình là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nơi được áp theo cơ chế lương đặc thù (cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương).
Vị này nêu, các doanh nghiệp kinh doanh cùng mảng dịch vụ, cùng thị trường, nhưng Nhà nước cho các bên cơ chế khác nhau, “vũ khí” khác nhau, nên việc “chiến đấu” sẽ không thể cân sức. Và vì thế, trên thực tế, có những quản lý cấp phòng, ban của Viettel lương còn cao hơn cả lãnh đạo cao cấp của VNPT.
Thời gian qua, VNPT, Tổng công ty MobiFone và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất Chính phủ được áp dụng cơ chế lương đặc thù, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ chế này vẫn chưa được thông qua.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate