October 07, 2010 | 15:00 GMT+7

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái

Vinh Nguyễn

Ít nhất bốn người đã thiệt mạng, sáu người mất tích và 123 người bị thương, phần lớn bị bỏng do thảm họa bùn đỏ ở Hungary

Bùn đỏ tràn ngập khắp nơi - Ảnh: AP.
Bùn đỏ tràn ngập khắp nơi - Ảnh: AP.
Theo hãng tin AP, cảnh sát Hungary đã vào cuộc, tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ vỡ hồ chứa chất thải bùn đỏ ở một nhà máy sản xuất nhôm của nước này, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp ở ba vùng phía tây.

Hôm 6/10, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường của Hungary, Zoltan Illes, đã gọi vụ vỡ hồ chứa bùn thải này là một “thảm hoạ sinh thái”, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có nguy cơ làm ô nhiễm cả dòng Danube của châu Âu.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 1

Thảm họa bùng phát chiều 4/10 tại nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar thuộc thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest chừng 164km về phía Tây Nam. Tính đến hôm 6/10, tổng cộng 1,1 triệu m3 bùn đỏ độc hại từ nhà máy này đã tràn ra một khu vực rộng tới 40 km2.

Dòng lũ bùn đỏ đã cuốn trôi hơn 270 căn nhà, xe cộ, phá hủy một số cây cầu. Về nhân mạng, đã có 4 người chết, 6 người mất tích và 123 người bị thương, phần lớn bị bỏng do hóa chất trong bùn đỏ thấm qua quần áo. Trong số bị thương, 62 người đã nhập viện, 8 người đang nguy kịch.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 2

Chính quyền địa phương cho biết, những người thiệt mạng là do bị chìm trong bùn bẩn. Còn theo các bác sĩ, các chất thải trong quá trình sản xuất nhôm đang gây ra một số vụ bỏng ở các mức độ khác nhau. Chính quyền đã đóng cửa các con đường dẫn đến các làng bị ngập bùn đỏ, cho đến khi việc cứu hộ hoàn thành.

Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng kiềm dư thừa phát sinh trong quá trình lọc bauxite, tách quặng nhôm. Đây là một loại chất thải rất độc hại, được ví như "bom bẩn”.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 3

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức công nghiệp ở Mỹ và Anh cho rằng, nếu được xử lý đúng đắn, loại bùn thải này không độc hại. Theo tiêu chuẩn EU, bùn đỏ từ quá trình luyện bauxite thành nhôm không bị coi là chất thải độc hại.

Nhà môi trường học Gergely Simon của Hungary đưa ra giả thiết, lượng bùn thải này được tích lũy suốt hàng chục năm qua nên có độ kiềm cực cao, pH lên tới 13, hơn cả loại thuốc tẩy mạnh nhất và gấp 1 triệu lần dung dịch trung hòa là nước tinh khiết.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 4

Với độ pH cao như vậy, nếu rơi vào mắt hay miệng con người và động vật sống, mà không được tẩy rửa nhanh chóng, kịp thời, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da hoặc làm tổn thương nặng.

Đối với môi trường, bản thân chất kiềm không có tác động lâu dài tới môi sinh vì sẽ bị loãng đi khi hòa tan vào nước, tuy nhiên, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại diện tích đất canh tác. Đặc biệt, khi chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cá...

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 5

Bộ trưởng Iles cho biết, chất thải độc hại có thể sẽ chảy vào ba con sông dưới hạ lưu, trong đó có cả sông Danube - con sông dài thứ hai ở châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo Hungary không được để bùn này tràn ra sông Danube.

Tuy nhiên, lịch sử công nghệ sản xuất nhôm chưa từng xảy ra chuyện một bể chứa bị vỡ khiến biển bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư như trường hợp ở Hungary và do đó, hiện tại, các chuyên gia chưa thể nói được gì về những hậu quả của dung dịch kiềm gây ra cho môi trường và hệ sinh thái, ngắn cũng như dài hạn.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 6

Sông Danude dài 2.850 km là con sông lớn thứ hai của châu Âu, chảy qua 7 quốc gia là Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Ukraine và Moldova rồi đổ vào Biển Đen. EU đang lo lắng là vụ việc này sẽ gây ô nhiễm độc hại lớn ở châu Âu và giết chết nhiều sinh vật và rong tảo nước ngọt.

10 năm trước, dòng sông này cũng từng hứng chịu một thảm họa môi trường. Một lượng khổng lồ chất cyanide từ bể chứa một mỏ vàng ở Romania gần Hungary đổ vào sông Danube và bốn con sông nhỏ khác, hủy diệt đời sống thực vật và động vật ở đây. Romania, Nam Tư hồi đó và Ukraine, cũng đã bị ảnh hưởng.

Vỡ hồ chứa bùn đỏ, châu Âu đối mặt thảm họa sinh thái - Ảnh 7

Hàng trăm lính cứu hộ và quân nhân đã được huy động tới vùng xảy ra thảm hoạ. Để ngăn chặn bùn đỏ loang rộng, lực lượng cứu hộ đã đổ khoảng 1.000 tấn vữa, thạch cao xuống sông Marcal để làm một con đê chặn dòng bùn đỏ chảy vào sông Danube cách đó 72km và sông Raab, một nhánh của sông Danube.

Các chuyên gia môi trường cho biết nhà chức trách sẽ phải đào và bỏ đi một lớp đất dày 2 cm trên toàn bộ khu vực 40 km2 bị bùn đỏ tràn qua để ngăn chặn sự nhiễm độc. Theo chuyên gia Tổ chức Hòa bình xanh Katerina Ventusova, thảm họa sinh thái này lớn gấp 7 lần so với vụ rò rỉ chất cyanide 10 năm trước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate