Trong tuần từ ngày 12/5 - 16/5/2025, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam bị rút ròng hơn 210 tỷ đồng, theo FiinTrade.
Trong đó động thái rút ròng diễn ra ở 11/19 quỹ, tập trung chủ yếu ở quỹ nội VFM VNDiamond ETF. Các quỹ ETF ngoại bị rút ròng hơn 109 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (-4,9 tỷ đồng). Tương tự, quỹ Premia MSCI Vietnam ETF cũng bị rút ròng nhẹ hơn 1 tỷ đồng.
Giá trị rút ròng ở các quỹ ETF nội tăng mạnh, với hơn 100 tỷ đồng. Động thái rút ròng tập trung phần lớn ở các quỹ do Dragon Capital quản lý là VFM VNDiamond ETF (-73,6 tỷ đồng) và quỹ VFM VN30 ETF (-19,5 tỷ đồng). Ngược lại, quỹ MAFM VN30 ETF lại hút ròng nhẹ gần 2 tỷ đồng.
Với dòng tiền từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký (DRs): Nhà đầu tư Thái Lan mua ròng 600 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 19 tỷ đồng. Tương tự, nhà đầu tư cũng mua ròng 500 nghìn chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VN30 ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 11.9 tỷ đồng.
Trong tháng 5/2025, các quỹ ETF bị rút ròng hơn 208 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 lên hơn 6,8 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng)
Tại ngày 16/5/2025, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (chỉ tính các phân bố vào thị trường Việt Nam) đạt 52,4 nghìn tỷ đồng, giảm -7,8% so với cuối năm 2024. Top cố phiếu được các quỹ mua ròng trong tuần 12/5 - 16/5/2025 là TCB, ACB, GMD, MBB, VPB.
Riêng trong ngày hôm nay 19/5/2025 quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đổi chiều vào ròng hơn 7 tỷ đồng và không có động thái mua/bán ròng các cổ phiếu trong danh mục. Bên cạnh đó, quỹ VFM VNDiamond ETF và quỹ VFM VN30 ETF không có biến động về dòng tiền.
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2920.7 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 3195.1 tỷ đồng. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Ngân hàng, Bán lẻ. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MBB, MWG, FPT, PNJ, VPB, CTG, SHB, NLG, HSG, BID.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, VCB, VRE, GEX, STB, VNM, SSI, HDB, DGC.

Nhận định về dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng theo kế hoạch từ năm 2024 đến nay, nhà tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng. Tuy nhiên, điểm rất tích cực trong tuần qua là đến từ động thái mua ròng của khối ngoại.
Khối ngoại đã mua ròng 2.881 tỷ đồng trong giao dịch tuần 12-16/05/2025, đây là tuần mua ròng cao nhất trong 2 năm. Nguyên nhân có thể đến từ dòng tiền rút ròng ra khỏi thị trường Mỹ trong thời gian gần đây và chỉ số CDS Việt Nam kỳ hạn 5 năm đã hạ nhiệt sau khi tăng mạnh chạm mức 150 trong đầu tháng 04/2025 do lo ngại các chính sách thuế quan ảnh hưởng đến vĩ mô.
Điều này cho thấy rủi ro quốc gia đã giảm và là yếu tố cho thấy các rủi ro dài hạn đã hạ nhiệt khi các cuộc đàm phán đang diễn ra và kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được đàm phán tích cực trong vài tuần tới.
"Tiền của khối ngoại cũng là lượng tiền mới chứ không đơn thuần là dòng vốn Pnotes vì giá trị mua ròng được phân bổ thêm ở nhiều nhóm cổ phiếu", ông Minh nhấn mạnh.
Theo quan sát của Yuanta, dòng vốn vẫn tiếp tục rút khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán Mỹ ở mức độ cao và rủi ro chính sách thuế quan cho nên dòng vốn toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phân bổ sang các thị trường khác trong đó có Việt Nam với định giá vẫn còn hấp dẫn.