Cụ thể, dữ liệu thống kê từ Kis cho thấy, dòng vốn âm tiếp tục duy trì tại Đông Nam Á, ghi nhận ở mức 10 triệu USD trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5/2022. Sự duy trì của dòng vốn âm là do lực cầu đã suy yếu đáng kể tại Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, dòng vốn âm cũng phần nào hạ nhiệt tại Thái Lan và Malaysia trong khi dòng vốn tại Indonesia và Philippines không ghi nhận hoạt động nào đáng kể.
Tại Việt Nam, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì nhưng hoạt động của dòng vốn đã giảm đáng kể. Cụ thể, lực cầu suy yếu trong tuần trước và chỉ tập trung vào VFMVN30 và VFMVN Diamond với giá trị nhỏ giọt lần lượt là 0,5 triệu USD và 0,8 triệu USD. Các ETF còn lại giá trị giao dịch ròng bằng 0.
Vốn vào ETF tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính với tỷ trọng 30%, tiếp theo là bất động sản, tiêu dùng thiết yếu.
Vốn ETF vào Việt Nam suy yếu trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang chịu áp lực lớn từ các động thái có phần quyết liệt của Fed và rủi ro về suy thoái kinh tế. Dòng vốn ghi nhận rút ròng ở tất cả các tài sản tài chính, từ thị trường cổ phiếu (rút ròng -22,4 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020), các quỹ trái phiếu (-29,8 tỷ USD) và quỹ tiền tệ (-37,9 tỷ USD).
Dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển (DM) đảo chiều sang rút ròng -35,3 tỷ USD – mức rút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 do áp lực từ thị trường Mỹ. Dòng vốn vào Mỹ ghi nhận rút ròng -32,6 tỷ USD trong tháng 4, lần đầu tiền kể từ tháng 10/2020.
Tuy vậy, trong 4 tháng đầu năm, dòng vốn ETF vào Việt Nam vẫn ghi nhận ròng 1.845 tỷ đồng (khiêm tốn so với mức kỷ lục 13.200 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021) với lực mua chủ yếu đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.
Luỹ kế 6 tháng vừa qua, Việt Nam vẫn thu hút 112 triệu USD thông qua ETF, tập trung chủ yếu trên VFMVN Diamond và Fubon FTSE.
SSI Research tiếp tục duy trì quan điểm về việc dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam trong năm 2022, với sự ổn định của tỷ giá cũng như định giá thị trường Việt Nam đã tương đối hấp dẫn cho đầu tư dài hạn (P/E ước tính năm 2022 hiện đạt chỉ ở mức 13.x lần). Trên thực tế, nhờ sự ổn định của tỷ giá, Việt Nam đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan và Singapore.
Trao đổi trên Talk show Phố Tài chính mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) cũng lạc quan về dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Tuấn, trên phương diện vừa là một nhà đầu tư và cũng là một chuyên gia chuyên đi tư vấn cho các quỹ đầu tư nước ngoài, thì thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao mức độ minh bạch của thị trường - một điều hết sức quan trọng. "Do đó các động thái vừa rồi và các cơ quan quản lý và để thanh lọc thị trường tôi cho rằng là hết sức nghiêm túc và cần thiết và đáng lẽ chúng ta phải làm việc đấy từ lâu rồi. Trong tương lai sẽ có thêm rất nhiều các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam", ông Tuấn kỳ vọng.