Ảnh hưởng của VCB chiều nay rất lớn, mã này là nguyên nhân khiến VN-Index giảm thủng cả đáy phiên sáng nhưng đồng thời cũng là lý do để chỉ số phục hồi và chốt ở đỉnh cao nhất ngày. Không có trụ nào thay thế VCB hôm nay nhưng sự cộng hưởng từ mức tăng nhẹ của nhiều blue-chips cũng đủ giúp VN-Index có tuần tăng điểm kỷ lục kể từ cuối tháng 1/2023. Nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mua ròng mạnh phiên chiều và các mã tăng tốt nhất đều được cầu ngoại ủng hộ.
VN-Index tạo đáy sâu nhất phiên hôm nay trong buổi chiều, lúc 2h05, giảm gần 5 điểm. Đó cũng là lúc VCB “bổ nhào” xuống đáy, giảm 2,47%, trước khi phục hồi trở lại ngưỡng tham chiếu, hỗ trợ chỉ số có nhịp phục hồi khá tốt hơn 10 điểm chỉ trong 30 phút, chốt phiên trên tham chiếu 5,55 điểm (+0,44%).
Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 3,8% tương đương +46,28 điểm. Biên độ tăng này chỉ thấp hơn mức tăng 47,91 điểm của tuần cuối tháng 1/2023 ngay trước khi nghỉ Tết nguyên đán năm đó. Không chỉ vậy, thanh khoản trung bình sàn HoSE tuần này lên tới 21.720 tỷ đồng/phiên, chỉ thấp hơn mức kỷ lục ở tuần chỉ số đạt đỉnh đầu tháng 9 năm ngoái (24.664 tỷ đồng/phiên).
Đà tăng yếu của VN-Index hôm nay một phần là do giá cổ phiếu blue-chips phải bù lại mức giảm trước khi tăng ở 30 phút cuối. Tại đáy của chỉ số, độ rộng ghi nhận 207 mã tăng/262 mã giảm nhưng VN30-Index giảm sâu nhất 0,55% và số mã giảm giá nhiều gấp 6 lần số mã tăng. Đến cuối phiên, rổ này có được 19 mã tăng/7 mã giảm với mức tăng điểm 0,1%.
Trong nhóm trụ, duy nhất VHM là mạnh đáng kể, đóng cửa tăng 1,27%. Chốt phiên sáng VHM mới tăng 0,12%. Cổ phiếu này vốn hóa nhỏ hơn BID nên dù chỉ tăng 0,94%, BID vẫn là trụ cộng điểm nhiều nhất. CTG, GAS, VIC là các trụ khác trong Top 10 vốn hóa có tăng điểm, nhưng biên độ rất nhẹ. HPG, VPB, VNM, TCB là các trụ giảm. Sự phân hóa như vậy khiến VN-Index không thể bứt phá được và duy trì mức tăng đã là kết quả tích cực.
Dĩ nhiên giao dịch cổ phiếu tốt hơn nhiều so với những gì VN-Index thể hiện. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên lên tới 293 mã tăng/182 mã giảm. Trong đó 96 mã tăng trên 1%, gần 30 mã trong nhóm này thanh khoản trên 100 tỷ đồng. LCG, HDG, BSI thậm chí tăng kịch trần với giao dịch rất lớn. DGW, GEX, VIX, PNJ, CTD, GMD là các mã tầm trung thanh khoản hàng trăm tỷ và biên độ tăng trên 3%.
Khối ngoại chiều nay bất ngờ giải ngân rất nhiệt tình. Tổng giá trị mua mới trên sàn HoSE phiên chiều đạt 1.405,8 tỷ đồng, bán ra 1.082,7 tỷ, tương ứng mua ròng 323,1 tỷ đồng. Phiên sáng khối này bán ròng 122,3 tỷ đồng. Một số cổ phiếu nhóm chứng khoán được khối ngoại đẩy giá rất mạnh là SSI với mức mua ròng 128,9 tỷ đồng, giá tăng 0,95%, VIX với 127,8 tỷ đồng ròng, giá tăng 3,28%, VCI với 81,7 tỷ ròng, giá tăng 2,74%, VND với 77,1 tỷ, giá tăng 2,43%. Khối này cũng mua tới 139,1 tỷ đồng tại MWG nhưng lượng mua chỉ chiếm khoảng 20% thanh khoản, giá MWG tăng 0,87%. STB, GEX, DGW, LCG, DGC, CTD là các cổ phiếu tăng rất tốt và đều có bóng dáng mua ròng đáng kể của khối ngoại.
Thị trường đang lặp lại trạng thái chỉ số lình xình nhưng cổ phiếu tăng giá tốt hơn. Các blue-chips lớn không có động lực dứt khoát, trừ VCB trong 3 phiên đầu tuần, còn lại chỉ là biến động nhỏ. Trong khi đó nhóm vốn hóa trung bình lại tăng tốt hơn, như hôm nay Midcap tăng tới 1,43%, Smallcap tăng 0,84% và VN30 chỉ tăng 0,1%. Trong 96 mã đóng cửa tăng hơn 1% hôm nay thì VN30 chỉ đóng góp 4 mã.