Lực cầu chủ động có tín hiệu mạnh lên ở nhóm blue-chips trong phiên chiều giúp nhiều mã lớn cải thiện giá. VCB, GVR gia nhập trở lại nhóm kéo điểm cùng VIC, VHM, VRE giúp chỉ số VN-Index thoát khỏi nhiều nhịp trồi sụt để đóng cửa cao nhất phiên.
Chỉ số chốt phiên chiều tăng 0,42% tương đương +5,09 điểm. Kết quả này không dễ đạt được khi liên tục xuất hiện những nhịp giảm. VN-Index có thêm lần kiểm định lại đáy sâu buổi sáng trước khi lực cầu dâng cao ở nhóm trụ trong 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục.
So với phiên sáng, rổ VN30 có tới 19 mã tụt giá, 9 mã tăng cao hơn, nhưng điểm số lại tốt hơn hẳn: Đóng cửa chỉ số này tăng 0,12% so với 0,07% buổi sáng. Độ rộng cuối ngày ghi nhận 10 mã tăng/16 mã giảm. Trạng thái cải thiện là do một số trụ phục hồi tích cực và các mã này cũng tham gia vào việc nâng đỡ VN-Index.
Trụ lớn nhất thị trường VCB chốt phiên sáng giảm 0,55%, đóng cửa lại tăng 1,22% tương đương tăng riêng chiều nay tới 1,78%. VCB thậm chí nhảy lên vị trí dẫn đầu trong nhóm kéo chỉ số, đem lại hơn 1,5 điểm cho VN-Index. Thanh khoản VCB phiên chiều chỉ khoảng 84,4 tỷ đồng cho thấy lực bán cũng nhẹ. Một mã ấn tượng khác là GVR, từ mức giảm 0,56% chốt phiên sáng đảo chiều thành tăng 5,22% lúc đóng cửa, tương đương tăng 5,82% riêng buổi chiều và thanh khoản rất tốt với 109,3 tỷ đồng. GVR vượt cả VHM lẫn VRE, đem lại 1,4 điểm cho VN-Index.
Ba trụ cũ nhóm Vin chiều nay thay đổi không nhiều: VIC tụt nhẹ 0,31% so với giá chốt buổi sáng, đóng cửa tăng 3,19%. VHM nhích cao thêm 0,22%, thành tăng 1,32%. VRE cũng lên thêm 0,39% thành 6,03%. Nhờ các trụ vẫn tốt, VN-Index được kéo mạnh trong khoảng 15 phút cuối phiên. Thậm chí đây là nhịp tăng mạnh nhất ngày, xác lập phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp.
Khả năng duy trì độ cao của chỉ số tạo điều kiện cho các cổ phiếu khác có dư địa tăng tốt. Độ rộng tuy vẫn giằng co với 245 mã tăng/231 mã giảm, nhưng mặt bằng nhóm tăng giá lại cao hơn buổi sáng. Cụ thể, sàn HoSE kết phiên với 92 mã tăng trên 1% trong khi buổi sáng là 70 mã. Nhóm này chiếm 31,4% tổng giá trị khớp của sàn với nhiều cổ phiếu thanh khoản rất cao như VIX với 909,7 tỷ đồng, giá tăng 2,23%; GEX với 506,2 tỷ, giá tăng 1,12%; DGC với 448,2 tỷ, giá tăng 2,17%; EVF với 293,5 tỷ, giá tăng 4,5%; CTD với 279,1 tỷ, giá tăng 3,77%; VSC với 135,6 tỷ, giá tăng 3,39%...
Khối ngoại chiều nay cũng có màn đảo chiều vị thế khá ngoạn mục. Cụ thể, khối này bất ngờ mua vào tới 1.555,4 tỷ đồng trên sàn HoSE trong khi bán ra 1.196,2 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 359,2 tỷ. Phiên sáng khối này đang bán ròng 223,9 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 2 nhà đầu tư nước ngoài lật ngược vị thế trong phiên chiều. Loạt cổ phiếu được mua ròng ấn tượng là MSB +232,9 tỷ, VIX +145,8 tỷ, VHM +119,5 tỷ, VRE +114,6 tỷ, VIC +112,3 tỷ, DGC +74,2 tỷ. Phía bán cũng có MWG -86,2 tỷ, STB -84,9 tỷ, VPB -74,7 tỷ, CII -74,3 tỷ, GEX -63,1 tỷ, HCM -42,9 tỷ…
Mặc dù hai ngày trở lại đây khối ngoại đã mua ròng, nhưng tín hiệu đảo chiều của dòng vốn này vẫn chưa rõ ràng. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2024, nhà đầu tư nước ngoài vẫn rút đi ròng gần 973 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE. Trong khi đó tháng đầu năm 2024, mức vốn vào ròng là 1.304,6 tỷ đồng.
Với mức tăng hơn 5 điểm hôm nay VN-Index đã tiến thêm một bước nữa tới đỉnh cao năm 2023. Đà tăng có phần chậm lại chủ yếu là do sự phân hóa trong nhóm dẫn dắt. Cổ phiếu ngân hàng phần lớn thời gian hôm nay là giảm, chỉ đến cuối mới có VCB, BID, HDB đảo chiều. Cả nhóm ngân hàng cũng chỉ có 6/27 mã tăng. Mặt khác trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của chỉ số này hôm nay cũng chỉ 4 mã có màu xanh. Tuy điểm số có thể gặp khó khăn khi tiến về đỉnh cũ nhưng biên độ tăng ở cổ phiếu đang khá tốt, nhiều mã hút dòng tiền và tăng rất mạnh. Sàn HoSE hôm nay có 52 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 23 mã tăng với 15 mã tăng trên 1%. Do đó khả năng lựa chọn cổ phiếu sẽ quyết định lợi nhuận ở thời điểm này.