Chiều nay VN-Index thêm vài lần nữa vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm nhưng cuối cùng vẫn tụt lại 1.198,47 điểm. Nhóm blue-chips vẫn mạnh mẽ nhất, nhưng chưa đủ, bất chấp vốn ngoại tăng mua mạnh mẽ.
Khoảng 748 tỷ đồng nữa được nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường, nâng tổng mức giải ngân cả ngày lên 1.139,9 tỷ đồng ở HoSE. Đây là quy mô mua vào lớn nhất 15 phiên. Riêng nhóm VN30 được mua gần 64% mức này, là một trong những động lực giúp các cổ phiếu blue-chips tăng tốt nhất.
VN30 kết phiên với 21 mã tăng và 7 mã giảm, chỉ số đại diện tăng 0,79%, trong khi VN-Index tăng 0,36%, Midcap tăng 0,1% và Smallcap giảm 0,54%. Độ rộng ở rổ VN30 cũng là tốt nhất, khi mặt bằng chung sàn HoSE chỉ có 197 mã tăng/247 mã giảm.
Mặc dù các blue-chips khá mạnh, nhưng vẫn không đủ để “nhấc” VN-Index vượt mốc 1.200 điểm. Buổi sáng chỉ số này có 1 lần vượt qua, phiên chiều tới 4 lần, nhưng kết thúc vẫn không thành công. Lý do không khác gì phiên sáng, đó là VN-Index chưa được sự góp sức của các trụ lớn nhất.
VHM đóng cửa giảm 1,34%, PLX giảm 1,17%, BVH giảm 1,39% là đáng kể nhất, nhưng quan trọng hơn là VCB chỉ tham chiếu, VNM tăng quá nhẹ 0,27%, VPB tăng 0,18%, BID tăng 0,27%, VIC tăng 0,44%.
Các trụ kéo phụ thuộc nhiều vào nhóm blue-chips tầm trung. Trong Top 5 cổ phiếu đỡ VN-Index, chỉ có GAS tăng 1,07%, HPG tăng 1,57% là thuộc nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường. Dẫn dắt lại là MWG tăng 4,474%, MSN tăng 2,43%, SAB tăng 3,25%, CTG tăng 1,66%.
Chiều nay nhóm VN30 nhận được lực mua mạnh của khối ngoại, tổng giá trị giải ngân ở rổ này đạt 725,5 tỷ đồng, chiếm 17,7% giá trị rổ. Không chỉ vậy, quy mô mua vào trên cả sàn HoSE cũng tăng vọt lên mức 1.139,9 tỷ đồng, chiếm 9,4% giá trị sàn.
Các cổ phiếu được khối này mua ròng nổi bật là SSI +64 tỷ, LPB +52,7 tỷ, GAS +41,4 tỷ, MWG +40,3 tỷ, DPM +36,4 tỷ, DGC +34,6 tỷ, CTG +29,1 tỷ, KBC +21 tỷ. 11 cổ phiếu khác được mua ròng trên 10 tỷ đồng. Phía bán ròng duy nhất VHM -37,8 tỷ và VCB -11,1 tỷ là đáng kể.
Mặc dù lực mua của khối ngoại không quá lớn, nhưng thực hiện trên diện khá rộng các mã blue-chips nên vẫn có tác dụng nâng đỡ giá nhất định. Tuy nhiên các cổ phiếu trụ lớn nhất, ngoài GAS, thì không có được lực mua tốt từ dòng vốn này, do đó biến động không mạnh.
Dòng tiền có động thái khá bất ngờ là đổ mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu blue-chips. Sàn HoSE giao dịch khớp lệnh hôm nay chỉ đạt 11.110 tỷ đồng, giảm khoảng 14% so với hôm qua, Midcap cũng giảm giao dịch tới 20%, smallcap giảm 19%, riêng VN30 lại tăng gần 3%, đạt 4.088,5 tỷ đồng. HPG, STB và SSI giao dịch nổi bật về thanh khoản trong nhóm này. Ngoài ra MWG, VPB, TCB cũng khá mạnh.
Việc VN-Index không chinh phục được ngưỡng 1.200 điểm không phải là vấn đề quá lớn, vì nhóm cổ phiếu blue-chips đang có tín hiệu mạnh lên và dòng tiền tốt hơn. Nếu các trụ lớn không gây cản trở, việc chỉ số vượt 1.200 điểm chỉ là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, dù hôm nay độ rộng không đủ tốt để nghiêng về phía tăng, nhưng dòng tiền lại cho thấy bức tranh khác, khi giao dịch ở nhóm cổ phiếu tăng giá lại vượt trội. Cụ thể nhóm giảm giá tuy nhiều hơn về số lượng, nhưng giá trị giao dịch lại chỉ chiếm 40,9% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, còn phía tăng giá ít hơn về số lượng, lại chiếm 50,2%. Trạng thái phân bổ vốn tích cực này đã có từ sáng và duy trì tốt trong buổi chiều, cho thấy dòng tiền đổ vào có trọng điểm và vẫn tạo hiệu ứng giá tích cực.
Hôm nay cũng là phiên đáo hạn phái sinh tháng 7, nhưng kể từ khi HNX thay đổi cách tính giá đáo hạn, VN30 ít biến động hơn. Từ 2h15 trở đi đến đợt ATC, VN30 dao động liên tục như thể nỗ lực nâng mức điểm trung bình của chỉ số lên. Tuy vậy với thời gian kéo dài và phổ điểm số bị loại ra các mức giá dị biệt (cao nhất, thấp nhất), giá đáo hạn vẫn có thể loại trừ được khá nhiều ảnh hưởng giật cục như vậy.