Phiên đảo chiều tăng đêm qua của chứng khoán Mỹ khá mạnh, nhưng thị trường trong nước cũng không thật sự hưởng ứng. Một số blue-chips lớn tăng xuất sắc hỗ trợ chỉ số, nhưng độ rộng suốt cả ngày vẫn nghiêng về phía giảm. VN30-Index hưởng lợi nhiều nhất, tăng rõ rệt nhất so với các chỉ số nhóm vốn hóa khác.
VN-Index phản ánh tình trạng giằng co trong hầu hết thời gian của phiên sáng. Khoảng 30 phút cuối phiên sáng và lân sang 30 phút đầu phiên chiều thậm chí còn xuất hiện đợt xả mới. Chỉ số giảm rất nhanh xuống dưới tham chiếu, chạm đáy 1259,97 điểm lúc 1h30 chiều, giảm 0,16% so với tham chiếu. Mặc dù vậy VN30-Index lúc chạm đáy giảm hầu như không đáng kể. Chừng đó cũng đủ thấy vai trò giữ nhịp của các blue-chips.
Điều dĩ nhiên không phải tất cả các mã lớn đều tích cực. Nhóm trụ bao gồm VIC, VNM, GAS, HPG và BID đóng cửa đỏ. Trong số này GAS yếu nhất, giảm 1,75%, nhưng VIC giảm 0,95% mới là cổ phiếu làm VN-Index mất nhiều điểm nhất vì vốn hóa quá lớn. VNM cũng bốc hơi 1,1% giá trị.
VIC và VNM là hai cổ phiếu lớn có tiềm năng gây hại nhiều nhất cho các chỉ số lúc này. VIC đã bước sang phiên giảm thứ 4 liên tiếp và tính từ đầu tháng 5 đã mất 6,21% giá trị. VIC trượt từ đỉnh xuống đã xấp xỉ 13% và hai nhịp giảm đều rất nhanh, được xen kẽ bằng 1 phiên nảy tăng duy nhất. Điều đó cho thấy áp lực giảm là rất mạnh và thiếu cầu đỡ. VNM cũng nảy tăng kịch trần đúng 1 ngày đầu tuần, để 4 phiên còn lại giảm. Điều tích cực là VNM vẫn tạm thời có đáy ngắn hạn cuối tuần trước.
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng nổi bật như VPB, TCB, CTG, HDB, VIB vẫn tiến triển tích cực. Phần lớn số này đang trên đường tìm đỉnh cao mới. Hạn chế duy nhất là các mã nói trên chưa đủ lực kéo mạnh VN-Index mà chỉ tác động nhiều hơn tới VN30-Index. Do đó chỉ số hẹp này vẫn tăng lên cao hơn và ngày càng bỏ xa VN-Index.
Hai cổ phiếu ngân hàng ấn tượng nhất ngày là VPB bên sàn HSX và SHB bên HNX. VPB tăng 2,3% nhưng có thanh khoản cao kỷ lục của chính mình với 44,42 triệu cổ tương đương 2.895,9 tỷ đồng. SHB tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng khi kịch trần 10%, thanh khoản hơn 42 triệu cổ trị giá 1.178 tỷ đồng cũng là cao nhất từ đầu tháng 4/2021. SHB tăng 21,7% trong 3 phiên cuối tuần và cũng vượt đỉnh lịch sử.
Độ rộng của rổ VN30 cuối ngày ghi nhận 22 mã tăng/8 mã giảm và chỉ số tăng 0,72%. Trong khi đó Midcap chỉ có 25 mã tăng/38 mã giảm, chỉ số tăng 0,19%. Smallcap có 58 mã tăng/78 mã giảm, chỉ số giảm 0,1%. Toàn sàn HSX có 190 mã tăng/220 mã giảm. Cơ cấu độ rộng này cho thấy thị trường thực ra trong tình trạng phân hóa. Nhóm blue-chips giao dịch nổi bật.
Tuy vậy diễn biến giá của nhóm blue-chips không làm dịu đi lo lắng được. Dòng vốn ngoại xả ở rổ VN30 cao khủng khiếp. Tổng giá trị bán ròng ở nhóm này lên tới 1.443,6 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục. Rổ này chỉ có hiếm hoi vài phiên mức bán ròng vượt quá 1.000 tỷ đồng/ngày và kỷ lục gần nhất là 1.353 tỷ đồng hôm 19/3/2021.
Toàn sàn HSX hôm nay cũng ghi nhận mức bán ròng tới 1.613,7 tỷ đồng. Kỷ lục gần nhất sàn HSX ghi nhận là mức rút vốn ròng 2.154 tỷ đồng hôm 15/1/2021, nhưng là do có thỏa thuận lớn ở MSN (-1.730 tỷ đồng). Các mã bị bán ròng rất mạnh hôm nay là HPG (411 tỷ đồng), CTG (159 tỷ đồng), VIC (144,5 tỷ đồng), MBB (129,4 tỷ đồng), VNM (114 tỷ đồng). Đó là những cổ phiếu bị rút đi trên trăm tỷ đồng ròng. Ngoài ra còn MSN, VHM, PLX, LPB, VPB, SSI, VRE, NVL, VCB, STB, GAS, HSG... bị bán ròng lớn.
Một khía cạnh tích cực là khối ngoại bán ròng mạnh nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng, thị trường vẫn đi lên. Điều này thể hiện sức mạnh của dòng vốn trong nước. Tuy nhiên giá như dòng vốn ngoại không bán nhiều như vậy thì dòng vốn trong nước đã không phải căng mình hấp thụ khối lượng xả. Nguồn lực đó có thể tạo sóng mạnh hơn cho thị trường.