VN-Index đã có một phiên giao dịch bùng nổ vào hôm nay, thanh khoản ở ngưỡng cao trong vòng một tháng trở lại đây, chủ yếu là nhờ dòng vốn nhà đầu tư cá nhân, riêng trong tuần giao dịch vừa qua nhóm này tung gần 4.000 tỷ đồng gom ròng trong khi khối ngoại, tự doanh và tổ chức trong nước là bên bán ra.
Thị trường đang kỳ vọng dòng vốn nội sẽ trở lại và dẫn dắt thị trường đi lên trong những tháng cuối năm 2023. Ở góc nhìn chuyên gia, VnEconomy đã có trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta về xu hướng mua bán của nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn tới.
Cá nhân trong nước liên tục là bên "cân" thị trường trong vòng gần một tháng qua, ông đánh giá thế nào về dòng vốn nhà đầu tư cá nhân?
Xu hướng trong thời gian gần đây là nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua ròng trong khi đó nhóm ngoại bán liên tục. Thứ nhất, với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong những tháng đầu năm khối ngoại mua ròng khi thị trường đi xuống, do đó, giai đoạn vừa rồi thị trường đi lên thì họ có xu hướng chốt lời, bán ra. Mua bán của khối ngoại theo chu kỳ. Chưa kể, những khó khăn với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý 3 vẫn còn đó nên họ vẫn thận trọng, lo ngại.
Thứ hai với nhóm nhà đầu tư cá nhân, nhóm này thường có xu hướng mua đuổi, mua vào trong giai đoạn đầu hồi phục của thị trường. Để ý thì thấy dòng tiền cá nhân chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ, penny giúp cho nhóm này có một sóng tăng mạnh trong vòng một hai tháng qua.
Cơ bản, thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân.
Nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là động lực cho dòng tiền nội tham gia mạnh mẽ. Lãi suất huy động các ngân hàng đều giảm mạnh so với đầu năm, trở về mức lãi suất trước thời điểm nóng cuối năm 2022 nên giúp cho chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Đặc biệt với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, họ ưa thích lướt sóng, không mặn mà tiết kiệm, chẳng qua giai đoạn một năm qua chứng khoán quá xấu nên trú ẩn vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Do đó, khi lãu suất giảm thì một phần tiền này sẽ chuyển sang kênh chứng khoán.
Với bối cảnh lãi suất tôi cho rằng từ nay tới cuối năm Ngân hàng sẽ còn thêm một đợt giảm nữa, thì khả năng cao dòng tiền này sẽ đổ dịch chuyển trở lại với kênh chứng khoán. 6 tháng cuối năm kỳ vọng thị trường bước vào chu kỳ tích cực rõ ràng hơn, sóng rõ ràng hơn chứ không phải phân hóa lớn như thời điểm hiện tại. Dòng tiền còn đổ vào thì dư địa thị trường uptrend rõ ràng hơn.
Chúng ta từng chứng kiến thị trường bùng nổ giai đoạn 2021 khi cá nhân trỗi dậy, liệu sẽ mong chờ một cơn sóng thần như vậy không?
Sẽ rất khó để đón được một cơn sóng như năm 2021 vì thứ nhất, 80% nhà đầu tư cá nhân thiệt hại tài sản lớn sau đợt giảm của thị trường năm 2022. Tất nhiên vẫn có những người giữ được vốn nhưng có người âm vốn do dùng đòn bẩy lớn, tâm lý sợ vẫn còn.
Thứ hai, Fed và các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chưa nới lỏng nên khó để kỳ vọng chu kỳ tiền rẻ quay lại, lạm phát chưa về mục tiêu của Fed, các yếu tố vĩ mô, địa chính trị mà chúng ta chưa dự báo được nên khó có dòng tiền rẻ quay lại và thị trường chưa thể bùng nổ. Việc chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chỉ là cơ sở để tiền chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán.
Liệu có rủi ro gì khi nhóm nhà đầu tư cá nhân "cân" cả thị trường?
Trong chu kỳ đầu hồi phục của thị trường chứng khoán, nhóm hồi phục đầu tiên là nhóm đầu cơ như bất động sản. Điều này là dễ hiểu vì đây là nhóm chịu áp lực giảm mạnh nhất trong thời gian qua, mất thanh khoản, giá cổ phiếu chiết khấu sâu, có những cổ phiếu giá thị trường chỉ bằng một nửa giá trị sổ sách thì khi thị trường hồi phục, dòng tiền sẽ tìm đến nhóm này đầu tiên. Giảm càng mạnh thì bật lên càng mạnh.
Tuy nhiên, sóng penny vốn hóa nhỏ thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của chu kỳ sóng hồi lớn chứ không kéo dài được, vì bản chất thị trường muốn tăng trưởng bền vững phải phụ thuộc nhóm vốn hóa lớn. Còn dòng tiền có quay lại nhóm vốn hóa lớn hay không lại phải chờ vào động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tôi kỳ vọng sau quý 3, hoặc giữa quy 3 dòng tiền quay trở lại vốn hóa lớn.
Ở giai đoạn này, rủi ro cho nhóm vốn hóa nhỏ, đầu cơ lớn, vì nhóm này đã tăng mạnh được một thời gian rồi. Những chính sách cũng đã phản ánh vào giá, áp lực điều chỉnh có xu hướng tăng lên, không còn dư địa để sóng penny kéo dài nữa. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân phải thận trọng, dùng margin càng phải thận trọng không nên mua đuổi nữa. Ai cũng thấy hiện tượng chúng ta càng chờ thì cổ phiếu càng lên, dẫn đến tâm lý mua đuổi theo nhưng không ai biết được nó sẽ điều chỉnh thảm khốc bất cứ lúc nào.
Triển vọng thị trường những tháng cuối năm ra sao, thưa ông?
Tôi giữ nguyên quan điểm nhóm vốn hóa lớn tập trung ở bất động sản sẽ trở thành dòng dẫn dắt 6 tháng cuối năm. Lĩnh vực tài chính là chứng khoán kỳ vọng thanh khoản thị trường lãi suất thấp. Tiếp theo là dòng vận tại, sản xuất thực phẩm có thể chú ý. Nhóm triển vọng thấp hơn có thể nhắc tới như ngân hàng, nhưng ngân hàng vẫn khó. Với nhóm điện sẽ có sự phân hóa ở nhóm năng lượng tái tạo và điện khí hưởng lợi trong quý hoạch điện 8.