Chỉ số đại diện nhóm blue-chips VN30-Index kết phiên sáng tăng vượt trội 1,1% trong khi VN-Index tăng 0,84%, Midcap tăng 0,89% và Smallcap tăng 0,85%. Diễn biến giảm ngược dòng của VCB không khiến thị trường yếu đi, nhờ sự đổi vai kịp thời của nhóm vốn hóa lớn. Thêm nữa, độ rộng rất tốt xác nhận đà tăng giá đang diễn ra trên diện rộng.
Rổ VN30 kết phiên sáng với 23 mã tăng/5 mã giảm. Đầu bảng nhóm giảm là VCB, mất 1,03%, tiếp đến là VRE giảm 1,02%, VNM giảm 0,86%, GAS giảm 0,1% và HDB giảm 0,3%. Bình thường khi các trụ này giảm, sức ép lên chỉ số rất lớn, nhưng VN-Index sáng nay không bị tác động quá nhiều.
VCB quay đầu giảm không phải là điều bất ngờ, vì mã này đã tăng từ mức 80.000 đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 lên cao nhất 89.900 đồng ngày hôm qua, tương đương tăng 12,4% chỉ trong vòng vài ngày. Sáng nay lực bán ở VCB cũng không nhiều, thanh khoản khá chậm với 591.300 cổ tương đương 51,2 tỷ đồng. VCB giảm do không còn cầu đua giá cao hay đỡ giá vùng xanh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn giao dịch tốt, chỉ có 5/27 mã nhóm này giảm giá. ACB tăng 2,77%, LPB tăng 2,42%, CTG tăng 1,93%, TCB tăng 1,82%, SHB tăng 1,43%... Đây cũng một phần là lý do giúp VN30-Index tăng vượt trội so với các chỉ số nhóm vốn hóa khác.
Tuy nhiên, trong Top 5 mã kéo VN30-Index thì ngân hàng cũng chỉ chiếm 2 vị trí với ACB và TCB, còn lại là HPG tăng 2,27%, VHM tăng 1,91%, MWG tăng 1,66%. Ngay cả mở rộng ra Top 10 thì ngân hàng cũng chỉ chiếm 3 vị trí. Điều này cho thấy đà tăng ở rổ blue-chips là đa dạng.
Điều khá bất ngờ là vốn nội lại là động lực chính của nhóm này, khi khối ngoại chỉ mua vào 227,8 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng giao dịch của rổ và mức ròng chỉ là 62,3 tỷ đồng. Thanh khoản nhóm VN30 tăng vọt 80% so với sáng hôm qua, đạt 2.177,2 tỷ đồng. Cổ phiếu được khối này mua nhiều nhất là CTG, cũng chỉ đạt 25,7 tỷ đồng ròng. Mã kế tiếp là HPG, có 16,2 tỷ ròng. Như vậy vốn ngoại hoàn toàn lép vế trong giao dịch tại nhóm blue-chips.
Không chỉ vậy, tổng thể cầu ngoại trên HoSE sáng nay cũng kém. Mức giải ngân còn chưa bằng một nửa sáng hôm qua (45%) với 363,9 tỷ đồng. Mức ròng đạt 121 tỷ đồng. Như đã nói ở trên, không có cổ phiếu nào được mua ròng nổi bật và vốn ngoại chỉ chiếm 7,3% tổng giao dịch sàn này.
Trong khi đó thanh khoản khớp lệnh HoSE đã tăng khoảng 52% so với sáng phiên trước, đạt 4.753 tỷ đồng, tốt nhất kể từ đầu tuần. Sàn này có 13 mã đang đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 7 mã thuộc rổ VN30, còn lại là VND với 235,4 tỷ đồng, giá tăng 4,17%; VCI với 137,8 tỷ đồng giá tăng 4,37%; HSG với 130,1 tỷ giá tăng 4,67%; NKG với 129 tỷ giá tăng 5,56%; HPX với 108 tỷ giá tăng 0,56%; GEX với 100,7 tỷ giá tăng 2,28%.
Nhóm chứng khoán sáng nay giao dịch mạnh mẽ với 15 mã đang tăng trên 3% với nhiều mã hàng đầu như VCI, MBS, VND, HCM. Tuy vậy thanh khoản nhóm này cũng chỉ ở mức trung bình, trừ VND, VCI và SSI. Ảnh hưởng vốn hóa lên các chỉ số cũng khá hạn chế, duy nhất SSI lọt top 15 của VN-Index.
Đà tăng sáng nay xuất hiện rất sớm, dù VN-Index hạn chế nhiều do một vài trụ như VCB, VNM yếu, nhưng độ rộng thì tốt ngay từ đầu. Chỉ số đạt đỉnh cao nhất lúc 10h52, tăng 1,17% so với tham chiếu tương đương 12,3 điểm, độ rộng ghi nhận 286 mã tăng/85 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng vẫn là 269 mã tăng/99 mã giảm, không thay đổi nhiều và VN-Index cũng chỉ trả lại khoảng 3,4 điểm. HoSE đang có 139 mã đạt mức tăng từ 1% trở lên, tương đương 41,2% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay. Đây là tỷ lệ khá lớn cho thấy biên độ tăng giá ở cổ phiếu là mạnh.
Động lực của đà tăng này lại đến từ nhà đầu tư trong nước là một điểm bất ngờ. Dù xu hướng muốn nghỉ Tết vẫn còn, thể hiện ở tổng thanh khoản kém, nhưng thị trường vẫn có những phiên giao dịch khá mạnh mẽ. Dường như nhà đầu tư vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội “quà Tết” trong vài phiên nữa, hoặc kỳ vọng thị trường sau Tết sẽ khởi sắc rõ ràng hơn.