Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc giám sát nguồn vốn ODA để tránh những vụ việc tiêu cực.
Thông tin này được ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đưa ra trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 31/3 tại Hà Nội, thời điểm trước khi Nhật Bản chính thức nối lại các dự án vốn vay ODA cho Việt Nam vào chiều cùng ngày.
Ông Motonori nói:
- Chiều nay tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính phủ hai nước sẽ thực hiện ký kết công hàm trao đổi ODA giữa hai bên và thực hiện ký kết cho các dự án vốn vay. Căn cứ trên công hàm trao đổi giữa hai chính phủ, JICA sẽ ký hiệp định vốn vay tại trụ sở chính tại Tokyo.
Việc cho vay vốn của Nhật Bản cho Việt Nam nửa cuối năm 2008 đã bị đình lại do việc sử dụng bất chính vốn vay ODA của Công ty PCI. Sau đó, nhờ hai nước thành lập ủy ban hỗn hợp Nhật-Việt trong phòng chống tham nhũng và thống nhất với nhau về cách phòng chống tham nhũng từ các dự án vốn vay của Nhật Bản, việc viện trợ ODA của Nhật Bản đã được bình thường hóa trở lại vào cuối tháng 2/2009.
Các dự án được ký kết vốn vay trong lần này gồm 4 dự án với tổng vốn vay là khoảng 82,3 tỷ Yên, tương đương 900 triệu USD. Đó là dự án tuyến đường sắt nội đô Hà Nội; hai dự án hỗ trợ cải thiện môi trường và các đối sách chống lũ lụt tại Hà Nội và Hải Phòng; và cuối cùng là dự án tín dụng chuyên ngành giao thông nhằm cải thiện mạng lưới đường quốc gia.
Việc triển khai các dự án vốn vay ODA sắp tới sẽ được quản lý như thế nào để thực sự có hiệu quả và không rơi vào “vết xe đổ PCI”, thưa ông?
Cuối năm 2008, hai nước đã áp dụng các biện pháp như thiết lập đường dây nóng, công khai thông tin đấu thầu, mời bên thứ ba cùng đánh giá thầu và tăng cường giám sát kiểm tra đối với quá trình đấu thầu.
Trong các biện pháp phòng chống tham nhũng đã được nêu ra từ báo cáo của ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật có ghi kỳ hạn, đơn vị đứng ra giám sát, và JICA cũng sẽ cùng Chính phủ Nhật Bản thực hiện chức năng giám sát.
Các hợp đồng vay vốn lần này được ký kết xuất phát từ các biện pháp phòng chống tham nhũng mà hai nước đã cam kết và công bố rộng rãi. Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng tiêu cực nữa.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện triệt để những biện pháp này.
PCI hoặc các đơn vị có liên quan trong dự án đại lộ Đông-Tây có bị cấm tham gia các dự án lần này không?
Tại Nhật, PCI đã bị giải tán, còn với những doanh nghiệp có hành vi tham nhũng bị phát hiện từ trước đến nay, chúng tôi thực hiện các biện pháp kỷ luật bằng cách không cho những doanh nghiệp như thế này tham gia các dự án ODA trong một thời gian nhất định tùy mức độ tham nhũng nặng nhẹ.
Một số nhân viên tư vấn của PCI vẫn tham gia vào một số dự án ODA khác tại Việt Nam, vậy việc tham gia này có vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng không?
Việc các chuyên gia, kỹ thuật viên của PCI chuyển sang công ty khác để tham gia các dự án ODA không xung khắc với các quy định đã đặt ra.
Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật có lập ra đơn vị trung gian thứ ba để giám sát và xét thầu, nhưng lại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam. Quan điểm của ông về việc này?
Trong các công trình xây dựng, các cơ quan thực hiện phía Việt Nam tổ chức đấu thầu, sẽ có bên thứ ba tham gia giám sát để tăng cường tính minh bạch trong quá trình đánh giá thầu.
Bên thứ ba này phải là đơn vị có chuyên môn cao trong các cơ chế, chế độ đấu thầu thực hiện các các hợp đồng đấu thầu quốc tế. Trung tâm hỗ trợ đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là bên thứ ba có ý nghĩa lớn để tham gia đánh giá thầu. JICA sẽ giám sát phương pháp thực hiện và hiệu quả thực hiện và đề xuất các giải pháp với phía Việt Nam nếu có.
JICA có trách nhiệm giám sát triển khai các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, nhưng vẫn có một số sai sót mà JICA không phát hiện ra mà phải chờ tới khi có thanh tra. Vậy JICA nói gì về điều này?
Từ sự kiện tham nhũng vừa qua, chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm để xem xét kỹ lưỡng các thủ tục liên quan đến quá trình đấu thầu trong thời gian tới.
Một trong những hạn chế lớn là ciệc giải ngân vốn ODA vẫn diễn ra rất chậm chạp và có những trở ngại lớn. Vậy theo ông, những dự án vốn ODA lần này cần có những giải pháp gì để thúc đẩy giải ngân vốn ODA đúng như dự kiến?
Để tăng cường tiến độ giải ngân thì các công trình phải được thực hiện. Cho đến nay, chúng tôi nhận thấy, quá trình chuẩn bị bao gồm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thủ tục chi trả sau xây dựng tốn nhiều thời gian hơn dự tính.
Trong 15 năm Việt Nam thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam, nhiều công trình đã được hoàn thành, trong quá trình thực thi các bộ, ngành đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đã có khả năng giải ngân nhanh hơn trước.
Tuy nhiên, với các công trình tại các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Tp.HCM, thì nhìn chung, chúng tôi cảm nhận là gặp nhiều khó khăn hơn và tiến triển tương đối chậm. Do đó, JICA có đề xuất các bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cần có hỗ trợ để thúc đẩy tiến độ giải ngân nhanh hơn.
Hôm nay (31/3) là ngày cuối cùng của năm tài khóa 2008 của Nhật Bản, kết quả giải ngân các dự án đến nay khoảng 67,4 tỷ Yên, con số này gần như đạt được mục tiêu ban đầu đề ra cho năm tài khóa năm nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate