August 19, 2024 | 10:27 GMT+7

Vốn tín dụng cấp mới ở Trung Quốc giảm gần 90%

Bình Minh -

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư “không nên hoảng sợ” vì các yếu tố thời điểm và quy chế giám sát đã góp phần dẫn tới sự sụt giảm này...

Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily.
Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily.

Lượng vốn vay ngân hàng cấp mới ở Trung Quốc trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 15 năm - một dấu hiệu nữa cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư “không nên hoảng sợ” vì các yếu tố thời điểm và quy chế giám sát đã góp phần dẫn tới sự sụt giảm này.

Theo hãng tin CNBC, tổng lượng vốn vay ngân hàng cấp mới tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt 260 tỷ nhân dân tệ, tương đương 36,28 tỷ USD, trong tháng trước, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với con số dự báo 450 tỷ nhân dân tệ.

Nhà phân tích cấp cao Iris Tan của công ty Morningstar giải thích rằng sự sụt giảm của tăng trưởng tín dụng tháng 7 ở Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu vay vốn suy yếu, cũng như tiêu dùng của cả hộ gia đình và doanh nghiệp đều ảm đạm.

Bà Tan lưu ý rằng lượng vốn vay ngắn hạn của các hộ gia đình đã giảm mạnh, phản ánh tình trạng suy yếu tiếp diễn ở cả niềm tin của người tiêu dùng và mức chi tiêu của họ. Bà cũng cho biết lượng vốn vay của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn trước.

Tuy vậy, còn có những yếu tố khác dẫn tới cú giảm chóng mặt của lượng vốn vay cấp mới. Theo bà Tan, vốn ngắn hạn cấp cho doanh nghiệp tăng yếu còn do các biện pháp giám sát được áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng các khoản vay “tự luân chuyển” trong hệ thống tài chính. “Tự luân chuyển” là việc các doanh nghiệp vay tiền với lãi suất rất thấp rồi gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn, thay vì đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

Chiến lược gia đầu tư cấp cao Jasmine Duan của RBC Wealth Management Asia nhận định: “Trước đây, nhiều khoản vay mới đã không chảy vào nền kinh tế thực, mà chảy vào hình thức đầu tư tài chính để hưởng chênh lệch như vậy. Chúng tôi cho rằng đó là lý do vì sao PBOC sẽ giữ quan điểm không nên quá chú ý tới số liệu tăng trưởng tín dụng nói chung”.

Trong một báo cáo vào tuần trước, ngân hàng Nomura nói “không có dấu hiệu nào cho thấy” việc siết chặt kiểm soát này sẽ sớm kết thúc. Vì vậy, Nomura dự báo “tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục yếu trong những tháng sắp tới, nhất là các khoản vay nhân dân tệ”.

Bà Tan cho rằng thị trường “không nên hoảng sợ” về biến động tăng trưởng tín dụng hàng tháng, chưa kể việc tháng 7 thường là thời điểm tăng trưởng tín dụng yếu hàng năm ở Trung Quốc. Bà chỉ ra rằng so với năm 2023, tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc nửa đầu năm duy trì ổn định, đạt 8,7% so với mức 8,8% cùng kỳ năm ngoái.

“Mức tăng này phù hợp với định hướng của Chính phủ Trung Quốc là giảm tốc tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn còn hợp lý này sẽ mang lại lợi ích cho các ngân hàng, bởi giảm bớt rủi ro ăn vào vốn chủ sở hữu và cuộc đua giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”, bà Tan nói.

Tuy nhiên, những yếu tố này không phủ nhận được tình trạng suy yếu tiếp diễn trong nền kinh tế Trung Quốc. Chuyên gia Duan của RBC nói rằng dữ liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng vẫn cho thấy niềm tin “tương đối thấp” của hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc về nền kinh tế nước này.

“Chúng tôi cho rằng chừng nào thị trường bất động sản chưa tìm được đáy và dần ổn định, rất khó để tăng trưởng tín dụng có thể khởi sắc mạnh mẽ”, bà Duan kết luận.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate