April 29, 2021 | 15:52 GMT+7

VPB hút tiền đột biến, “cân hết” vốn ngoại xả khủng

Thị trường tiếp tục tăng trong phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài. Điều bất ngờ là độ hưng phấn rất cao khi dòng tiền mua vào mạnh, một số đột biến cả về giá lẫn thanh khoản...

VN-Index hồi liên tục 3 phiên ngay trước kỳ nghỉ lễ dài.
VN-Index hồi liên tục 3 phiên ngay trước kỳ nghỉ lễ dài.

Giới đầu tư phản ứng mạnh với thông tin VPB bán 49% vốn tại FE Credit. VPB có thể thu về 1,4 tỷ USD cho thương vụ này. Hôm qua VPB đã tăng 3,4%, hôm nay vọt tiếp 6,36%, thậm chí gần cuối phiên đã có lúc kịch trần.

Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ đã kéo thanh khoản của VPB lên ngưỡng cao kỷ lục, đạt gần 41,54 triệu cổ, tương đương giá trị 2.341,4 tỷ đồng. Nhờ mức tăng mạnh cả 4 phiên, VPB thiết lập tuần đi lên chưa từng có khi tăng 14,7%. Nếu tính theo tháng, VPB cũng lập kỷ lục +31%.

Điều bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tranh thủ xả VPB dữ dội, tất cả trực tiếp qua khớp lệnh. Trong tổng khối lượng khớp lệnh 41,54 triệu cổ thì khối ngoại bán ra gần 10,6 triệu cổ. Mức bán ròng tại VPB lên tới 586,3 tỷ đồng. Khối ngoại hầu như không mua, đồng nghĩa với việc dòng vốn nội “cân hết” lượng xả của nhà đầu tư nước ngoài. Thực ra lượng bán của khối này cũng chỉ chiếm gần 26% thanh khoản của VPB mà thôi, nhà đầu tư trong nước khác cũng đã bán ra rất nhiều.

VPB có thể xem là cảm hứng của thị trường, đặc biệt ở thời điểm khá khó khăn. Đó là khoảng 2h chiều, khi áp lực bán đột ngột tăng mạnh khiến VN-Index đang từ tăng hơn 8 điểm co lại cực nhanh còn 1,7 điểm. VPB khi đó chỉ tăng khoảng 600 đồng so với tham chiếu, đột nhiên được đẩy lên cực mạnh và kịch trần. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng rục rịch chạy theo.

VPB (màu đen) có nhịp tăng bùng nổ cuối phiên, từ thời điểm VN-Index (màu đỏ) suy yếu nhất.
VPB (màu đen) có nhịp tăng bùng nổ cuối phiên, từ thời điểm VN-Index (màu đỏ) suy yếu nhất.

Nhóm ngân hàng duy trì sắc xanh khá tốt trong phiên sáng nhưng hầu hết là sụt giảm sát hoặc dưới tham chiếu ở nhịp rơi đầu phiên chiều. Tuy nhiên nửa sau của phiên, lực cầu lại mạnh lên cùng với đà tăng giá của VPB. CTG đóng cửa tăng 2,64%, HDB tăng 1,49%, TCB tăng 2,63%, VCB tăng 1,01%, BID tăng 0,99%...

Trụ duy nhất tham gia cùng nhóm ngân hàng kéo ngược chỉ số cuối phiên là GAS tăng 1,95% và HPG tăng 3,75%. Trong Top 5 trụ lớn nhất thì có 5 mã là ngân hàng: VPB, CTG, VCB, TCB, cộng thêm HPG. 5 mã này đã góp gần 7,5 điểm cho tổng mức tăng 9,84 điểm ở VN-Index và khoảng 11 điểm trong tổng tăng 18,22 điểm ở VN30-Index.

Nhóm Vn30 kết phiên có độ rộng tốt với 20 mã tăng và 10 mã giảm. Đáng tiếc là các trụ lớn đều kém: VHM giảm 1,59%, VIC giảm 0,38%, VNM giảm 0,21%, MSN giảm 1,01%. Toàn sàn HSX số lượng mã tăng nhiều hơn khoảng 25% so với giảm. Đó là độ rộng lạc quan trong điều kiện hiện tại.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại khá kém: chỉ số Midcap tăng yếu 0,28% trong vài phút cuối. Smallcap lại đóng cửa đỏ 0,11%. Độ nóng ở nhóm này không còn, chỉ có DCL, BCG, PSH, MHC là thanh khoản tốt và có giá trần.

Tuy nhiên các cổ phiếu lớn đã làm thay hết công việc của tất cả các mã còn lại. VN-Index chốt hôm nay tăng tới 0,8%, VN30-Index tăng 1,41%. VN30-Index thậm chí còn đóng cửa tương đương mức đỉnh lịch sử hôm 20/4 vừa qua. Mặc dù vậy rất ít cổ phiếu mạnh tương xứng với chỉ số, trừ VPB, HPG, NVL và PNJ.

Dòng vốn ngoại hôm nay quay lại bán ròng cực mạnh do có giao dịch lớn tại VPB và VNM. Ngoài VPB bị bán ròng trên 586 tỷ đồng, VNM cũng bị bán ròng 216,4 tỷ đồng. Phía mua có khá nhiều mã giao dịch tốt như HPG, NVL, VCB, VRE, HDB, MBB, MSN, STB, nhưng quy mô còn xa mới bằng hai cổ phiếu nói trên. Tính chung sàn HSX bị bán ròng 410,8 tỷ đồng.

Giao dịch cực lớn của VPB cũng giúp thanh khoản chung tăng lên. Tổng giá trị khớp lệnh ở HSX đạt khoảng 18.091 tỷ đồng, cao hơn hôm qua 27%. Giá trị tăng tuyệt đối khoảng 3.844 tỷ đồng. Mức tăng này phần lớn (55%) là nhờ giao dịch tăng của VPB và HPG. VPB tăng giao dịch 1.389,5 tỷ đồng và HPG tăng 735,5 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate