Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB-HOSE).
Theo đó, VPB đã có văn bản công bố về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPB từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Được biết, đây là mức trần sở hữu khối ngoại (FOL) cần để thực hiện phát hành riêng lẻ với cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm tăng tỷ lệ sở hữu sau phát hành lên 15%).
Trên cơ sở mức FOL mới, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giả định VPB sẽ phát hành riêng lẻ 60,2 triệu cổ phiếu quỹ và 716,0 triệu cổ phiếu sơ cấp cho nhà đầu tư chiến lược để sở hữu 15% cổ phần trong năm 2022 và cũng theo tính toán của VCSC thì mức FOL mới là dấu hiệu cho thấy VPB đang đẩy nhanh tiến độ của kế hoạch phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư chiến lược trong năm 2022, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Qua đó, VCSC đang có khuyến nghị MUA cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) với giá mục tiêu 48.000 đồng/CP. Hiện, giá cổ phiếu VPB tăng thêm 1,47% lên mức 38.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 13/01/2022, VPB đã ban hành Nghị quyết HĐQT chấp thuận việc mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán ASC (ASC). Theo nghị quyết này, VPB sẽ mua lại 97,42% cổ phần của ASC - tương đương 26.186.000 cổ phiếu. Vốn điều lệ của ASC là 268,8 tỷ đồng. Ngoài ra, ASC ghi nhận lỗ lũy kế gần 20 tỷ đồng tại quý 2/2021.
Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 14/02/2022 của ASC, các đề xuất chính sau đây đã được cổ đông thông qua việc đổi tên Công ty thành CTCP Chứng khoán VPBank với phương án tăng vốn thông qua phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kế hoạch, ASC sẽ phát hành hơn 865 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ của ASC sẽ tăng từ 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2022, ASC dự kiến tổng doanh thu là 1.509 tỷ đồng (so với 11,5 tỷ đồng vào năm 2020) và lợi nhuận trước thuế là 622 tỷ đồng (so với 6,1 tỷ đồng trong năm 2020). Nếu kế hoạch tăng vốn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thì ASC sẽ nằm trong nhóm các công ty chứng khoán hàng đầu tính về vốn hóa.
Đáng chú ý, trong buổi họp gặp gỡ nhà đầu tư gần đây của VPB, ban lãnh đạo chia sẻ rằng ASC sẽ giúp VPB gia tăng thu nhập phí, đặc biệt là từ mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán thông qua tận dụng công nghệ và cơ sở khách hàng của VPB.
Còn theo nhận định từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì kế hoạch kinh doanh của ASC khá tham vọng và nếu ASC đạt được kế hoạch đề ra sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho VPB. Bên cạnh đó, ASC có thể cung cấp sự hỗ trợ để mở rộng cơ sở khách hàng và thu nhập phí của VPB thông qua việc bán chéo các sản phẩm.
VCSC cũng kỳ vọng ASC có thể tận dụng sự hỗ trợ từ VPB và mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường có điều kiện thuận lợi như hiện nay cho ngành môi giới chứng khoán.
Kết thúc năm 2021, VPB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 88% kế hoạch năm
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, VPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27% và tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tích cực hơn năm 2021.