Hội thảo khoa học quốc tế về Tài chính Ngân hàng 2024 (8th Vietnam Symposium in Banking and Finance - VSBF 2024) lần thứ 8 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội vào sáng ngày 24/10. Đây là sự kiện khoa học uy tín do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì sự tiến bộ của Kinh tế Tài chính (ISAFE), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Massey cùng phối hợp tổ chức.
VSBF 2024 là hội thảo trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các dự án nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu trong nước với các nhà nghiên cứu quốc tế. Tiếp nối sự thành công của các hội thảo những năm trước, các vấn đề chính sẽ được các chuyên gia tập trung thảo luận trong hội thảo năm nay sẽ liên quan đến các vấn đề như: Quản lý rủi ro; Kỹ thuật tài chính và phân bổ tài sản; Quản lý và tối ưu hóa danh mục đầu tư; Kỹ thuật tài chính và các công cụ phái sinh; Định giá và phân bổ tài sản; Hành vi thị trường, tài chính kỹ thuật số và tính bền vững.
Ngoài các phiên thảo luận khoa học, hội thảo còn tổ chức bàn tròn chính sách với sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên gia quốc tế hàng đầu về chủ đề: “Những tác động tiềm ẩn trong việc thay đổi lãi suất của Fed đối với nền kinh tế Việt Nam”.
Các diễn giả chính trong suốt khuôn khổ sự kiện bao gồm: Giáo sư Tom Smith, Đại học Macquarie, Úc & Đồng biên tập Tạp chí Accounting Literature; Giáo sư Huyen Pham, École Polytechnique, Pháp & Tổng biên tập Tạp chí SIAM về Kiểm soát và Tối ưu hóa; Giáo sư Bruno Solnik, Giáo sư Tài chính, Trường Kinh doanh HKUST, Đặc khu Hành chính Hồng Kông; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh: Phó Giám đốc Học viện phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng; Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FiinGroup;...
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo VSBF 2024, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc, Học viện Ngân hàng (BAV), nhận định rằng hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động sâu sắc, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu từ khu vực châu Á, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang có dấu hiệu chậm lại, cho thấy những thách thức đa chiều đang xuất hiện trên nhiều lĩnh vực. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao tại nhiều khu vực, trong khi đó, nhiều thị trường mới nổi tiếp tục đối mặt với những rủi ro nội tại, buộc phải duy trì lãi suất cao nhằm chống lại sự mất giá của đồng nội tệ so với đồng USD.
“Trong bối cảnh này, tôi kỳ vọng VSBF 2024 sẽ tạo ra một môi trường học thuật phong phú, nơi các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và thực hành viên có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính của Việt Nam”, PGS.TS Hoàng Anh bày tỏ.
Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, bất ổn kinh tế và sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu, những yếu tố này đều tác động đáng kể đến kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cần phải thích ứng nhanh chóng để xây dựng khả năng chống chịu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc trong môi trường đầy biến động này.
“Bằng việc tận dụng các tiến bộ công nghệ, thúc đẩy văn hóa đổi mới và xây dựng khung pháp lý linh hoạt, chúng ta có thể phát triển một hệ thống tài chính hỗ trợ sự phát triển bền vững và có khả năng chống chịu trước những cú sốc trong tương lai - những thách thức mà chắc chắn chúng ta sẽ còn phải đối mặt nhiều lần nữa trong những năm tới”, PGS.TS. Đỗ Xuân Hùng, Đại học Massey (New Zealand), Giám đốc Mạng lưới Tài chính và Ngân hàng AVSE, gợi ý.
VSBF 2024 là hội thảo khoa học quốc tế uy tín dành cho các chuyên gia, học giả để trình bày các kết quả nghiên cứu của họ và thảo luận về các vấn đề, thách thức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, diễn ra từ ngày 24 - 26/10.
Hội thảo VSBF 2024 thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và học giả từ nhiều quốc gia trên thế giới, với các phiên thảo luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến tài chính ngân hàng. Hội thảo bao gồm 3 bài phát biểu chính, 1 phiên thảo luận bàn tròn chính sách và 23 phiên song song trình bày hơn 73 bài nghiên cứu đột phá và các giải pháp sáng tạo được chọn lọc từ gần 160 bài nghiên cứu được gửi về Hội thảo.