Thông tin vừa được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mặc dù đã được phổ biến pháp luật về truyền hình trả tiền, tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện hai trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm quy định nêu trên là Công ty VTVCab và Công ty FPT Telecom. Cả hai doanh nghiệp này khi thực hiện niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán đã không thực hiện thủ tục khóa giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài để đáp ứng điều kiện không xuất hiện vốn nước ngoài tại doanh nghiệp.
Cơ quan quản lý này dẫn quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 51 Luật Báo chí và Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, điều kiện để được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Theo đó, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng chưa được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là hành vi vi phạm hành chính được quy định tại điểm c, Khoản 5, Điều 17 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, báo chí, hoạt động xuất bản.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, với vi phạm nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt Công ty FPT Telecom bị xử phạt 70 triệu đồng và Công ty VTVcab bị phạt 85 triệu đồng.
Từ trường hợp vi phạm nêu trên, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lưu ý các doanh nghiệp đã có Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chấp hành nghiêm quy định pháp luật về truyền hình trả tiền nói chung và quy định về sở hữu vốn tại doanh nghiệp nói riêng để đảm bảo duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình kinh doanh dịch vụ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thực tế về vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện thủ tục có chấp thuận chủ trương của Thủ tướng trước khi tiếp nhận vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp.
Hiện nay, thị trường truyền hình trả tiền có 36 doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam.