June 18, 2019 | 16:35 GMT+7

Vụ 110 biệt thự “xây trái phép” ở quận 7: Chủ đầu tư nói được miễn giấy phép xây dựng

Tiến Hải

Công ty Hưng Lộc Phát đã ra thông cáo báo chí cho biết "dự án này đã được duyệt quy hoạch 1/500 và được miễn giấy phép xây dựng theo kinh doanh bất động sản"

Dự án Green Star Sky Garden có tổng diện tích đất chủ đầu tư đã bồi thường, nhận chuyển nhượng từ các hộ dân để thực hiện dự án là 45.300m2.
Dự án Green Star Sky Garden có tổng diện tích đất chủ đầu tư đã bồi thường, nhận chuyển nhượng từ các hộ dân để thực hiện dự án là 45.300m2.

Vừa qua UBND Quận 7 đã ra quyết định đình chỉ 110 căn biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát tại Quận 7, Tp.HCM vì cho rằng "xây không phép". Tuy nhiên, ngày 17/6, Công ty Hưng Lộc Phát đã ra thông cáo báo chí cho biết "dự án này đã được duyệt quy hoạch 1/500 và được miễn giấy phép xây dựng theo kinh doanh bất động sản".

Quận 7 "tuýt còi" dự án

Vào ngày 22/5, Phòng Quản lý đô thị UBND quận 7, Thanh tra địa bàn quận và UBND phường Phú Mỹ đã kiểm tra và lập biên bản yêu cầu Công ty Hưng Lộc Phát ngừng thi công dự án, hoàn chỉnh pháp lý trong vòng 60 ngày.

Theo UBND quận 7, vừa qua quận vừa tổ chức kiểm tra công tác thi công xây dựng dự án Green Star Sky Garden, qua quá trình kiểm tra phát hiện dự án chưa được UBND Tp.HCM giao đất; chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; chưa đóng tiền sử dụng đất; chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khu nhà ở thấp tầng của dự án.

Cụ thể, Công ty Hưng Lộc Phát đã tiến hành thi công trên 6 lô đất nhà liền kế gồm: LK1, LK2, LK3, LK4, LK5, LK6. Trong đó, các lô đất liền kế 3, 4, 5 (xây dựng 1 hầm + 1 trệt + 2 lầu, tầng kỹ thuật), liền kế 1, 2, 6 (xây dựng 1 trệt + 2 lầu, tầng kỹ thuật); chủ đầu tư đã xây dựng xong hồ điều hòa; đang xây dựng đường giao thông; đang thi công ép cọc thử tải khối chung cư 27 tầng.

Được biết, Dự án Green Star Sky Garden có tổng diện tích đất chủ đầu tư đã bồi thường, nhận chuyển nhượng từ các hộ dân để thực hiện dự án là 45.300m2. Ngoài ra dự án còn vướng đất do nhà nước quản lý là 7.348,6 m2 bao gồm đất rạch, bờ đất, đường.

Hưng Lộc Phát "phản pháo"

Mới đây, trong một thông cáo báo chí gửi đi, phía Công ty Hưng Lộc Phát cho biết dự án có tổng diện tích 52.648,6m2. Công ty Hưng Lộc Phát đã thỏa thuận chuyển nhượng, bồi thường 100% đất.

Đồng thời phía Hưng Lộc Phát phản hồi: Dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư...

Cụ thể thông cáo báo chí cho biết: Cụ thể, ngày 16/6/2015, UBND Tp.HCM có Văn bản số 3333/UBND-ĐTMT về công nhận Công ty Hưng Lộc Phát làm Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7.

Ngày 3/4/2018, UBND Thành phố có Quyết định số 1280/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7.

Sau đó, Công ty Hưng Lộc Phát đã được UBND quận 7 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 19/1/2018. Cục Quản lý hoạt động Xây dựng, Bộ Xây dựng Thẩm định Thiết kế Cơ sở dự án tại Văn bản số 172/HĐXD-QLDA ngày 04/4/2018.

Cục Quản lý hoạt động Xây dựng, Bộ Xây dựng Thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án tại Văn bản số 374/HĐXD-QLTK ngày 05/7/2018. Sở Tài nguyên Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án tại Quyết định số 928/QĐ-STNMT-CCBVMT, ngày 27/6/2018.

Về việc Quận 7 thông tin dự án chưa có giấy phép xây dựng mà đã xây dựng 110 căn biệt thự khu thấp tầng, đại diện Hưng Lộc Phát phản hồi: "Theo quy định hiện hành, khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ được miễn giấy phép xây dựng đối với mỗi biệt thự có diện tích sàn dưới 500 m2 và thấp hơn 7 tầng nên việc triển khai khu thấp tầng của dự án Green Star Sky Garden là phù hợp. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật".

Còn về pháp lý đất, ngày 29/1/2018, UBND Tp.HCM có Quyết định số 393/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của dự án năm 2018 theo đề xuất của UBND quận 7. Ngày 4/6/2018, Công ty Hưng Lộc Phát đã nộp hồ sơ Xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM, để thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy định (Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 61 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về hướng dẫn thi hành Luật đất đai, quy định về thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày).

Tuy nhiên, đến nay Công ty Hưng Lộc Phát đang chờ UBND Tp.HCM ký quyết định cho Công ty Hưng Lộc phát sử dụng đất thực hiện dự án theo như đề xuất của Sở Tài Nguyên Môi trường tại Văn bản số 4447/STNMT/QLĐ, ngày 10/6/2019 nêu trên.

"Thời gian thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất kéo dài của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ hoàn thành dự án, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp"", ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, nói.

Hiệp hội bất động sản Tp.HCM phản hồi

Phản hồi về trường họp của công ty Hưng Lộc Phát, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng các dự án bất động sản đều vướng như trường hợp trên mặc dù bản thân hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đã từng kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Theo đó, dự án có khoảng 14% đất công xen cài (nhiều dự án khác chỉ có tỷ lệ đất công trên dưới 10% diện tích), mà Sở Tài nguyên và Môi trường không trình lên UBND Tp.HCM như Hiệp hội đã đề nghị tháo gỡ chung cho các dự án tương tự. Trong khi đó, Nghị định 43/2014; Nghị định 01/2017 cho phép đất công xen cài trong "dự án sản xuất, kinh doanh" thì chủ đầu tư được thuê đất.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM lại yêu cầu trong Nghị định phải ghi rõ "nhà ở", tức là "dự án sản xuất, kinh doanh, nhà ở" thì mới giải quyết. Trong lúc Luật kinh doanh bất động sản đã quy định rõ thế nào là kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở thương mại là dự án kinh doanh. "Chính những quy định như thế đã đẩy các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rủi ro cực kỳ to lớn, có thể bị phá sản thật sự", ông Châu nói thêm.

Theo ông Châu, những tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản.

Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).

Nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate