July 08, 2019 | 15:23 GMT+7

Vụ bắt ông Lê Tấn Hùng: Nhiều giao dịch giữa Sagri và tập đoàn Trung Thuỷ

Bạch Huệ

Trung Thuỷ - Sagri có nhiều hợp tác trong các dự án lớn dưới thời ông Lê Tấn Hùng

Ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung Thủy Group, bà Dương Thanh Thuỷ, hoa hậu Thu Thảo và Nguyễn Trung Tín (từ trái sang).
Ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung Thủy Group, bà Dương Thanh Thuỷ, hoa hậu Thu Thảo và Nguyễn Trung Tín (từ trái sang).

Tập đoàn Trung Thuỷ là doanh nghiệp có tiếng tại Tp.HCM với thế mạnh kinh doanh bất động sản, với hàng loạt dự án mang thương hiệu Lancaster đã và đang được triển khai. Người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn này là bà Dương Thanh Thuỷ, giám đốc là ông Nguyễn Trung Tín.

Ngày 6/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ông Lê Tấn Hùng được biết đến là em trai của ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành uỷ Tp.HCM.

Dưới thời ông Lê Tấn Hùng, Sagri có nhiều giao dịch, hợp tác làm ăn với Tập đoàn Trung Thuỷ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 ha.

Trong số hơn 1.900 ha đất nói trên, Tổng công ty đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM (Công ty con của Sagri) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri là 140 ha.

Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri là công ty con được thành lập do Tập đoàn Trung Thuỷ nắm 64% còn Sagri nắm 36%. Công ty có vốn điều lệ 223 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập dựa trên hợp tác giữa Trung Thuỷ và Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với điện tích 650 ha đất và vốn đầu tư khoảng 820 tỷ đồng.

Phía Tập đoàn Trung Thủy cam kết tự nguyện cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vay toàn bộ tiền góp vào vốn điều lệ ban đầu liên doanh nói trên và không tính lãi.

Theo hợp đồng hợp tác này, bên Trung Thủy thanh toán cho Sagri chi phí đầu tư vào đất còn lại tạm tính 500 triệu đồng/ha.

Việc hợp tác này bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng Việc này là không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND Tp.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa Tp.HCM. Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND Tp.HCM có quy định là "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.

Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Sagri thanh lý hợp đồng với Trung Thuỷ Group về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Trung Thuỷ Sagri, do thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư.

Năm 2016, Trung Thuỷ và Sagri cũng có thương vụ hợp tác và hiện đã có kết quả. Cụ thể hai bên đã thực hiện dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ có quy mô 1.398 m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác là 20 năm. Hiện dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác với tên gọi DreamPlex 2.

Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thuỷ thực như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận…để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại Tp.HCM.

Tập đoàn Trung Thuỷ do bà Dương Thanh Thuỷ thành lập năm 1994, ban đầu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, là người khai sinh thương hiệu Miss Aodai. Năm 2003 thì tập đoàn này đã bước và kinh doanh bất động sản. Cũng từ đó, Trung Thuỷ cho ra đời loạt chung cư, dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp ở nhiều vị trí đắc địa tại Tp.HCM, Hà Nội hay các tỉnh ven biển.

Tuy là doanh nghiệp địa ốc tầm cỡ nhưng Trung Thuỷ khá kín tiếng. Doanh nghiệp này chỉ thực sự gây sốt khi Dreamplex tiếp đón Tổng thống Obama khi ông qua Việt Nam công du và doanh nhân trẻ Nguyễn Trung Tín - con trai của bà Dương Thanh Thuỷ kết hôn với hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate