Ngày 24/12, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 với 17 bị cáo về các tội danh Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong thời kỳ diễn ra dịch Covid-19 năm 2020 – 2021 là chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.
Chủ trương đúng đắn, kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương nhân đạo, tốt đẹp này, một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho buộc các doanh nghiệp phải chi phí, “bôi trơn”, đưa hối lộ...làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước, làm mất đi mục đích, bản chất tốt đẹp của chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Những người phạm tội này đã bị nghiêm trị trong giai đoạn 1 của vụ án.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những cá nhân phạm tội khác liên quan trong vụ án chưa bị xử lý ở giai đoạn 1 do thời hạn điều tra đã hết; các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tách ra để xử lý trong giai đoạn 2; vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử thể hiện tinh thần xử lý triệt để, đến cùng đối với các hành vi phạm tội.
Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) mức án từ 7-8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, từ 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Trần Tùng là từ 12-14 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo – 4 năm tù.
Viện Kiểm sát xác định đây là vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan Nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch COVID-19 cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nói riêng; che giấu hành vi phạm tội, gây cản trở quá trình điều tra; làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Do đó, cần phải đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh trong số 17 bị cáo, bị cáo Trần Tùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là đầu mối tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép công dân từ Nhật Bản về nước được cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.
Cùng với sự giúp sức của bị cáo Trần Thị Quyên thông qua việc ký kết hợp đồng trọn gói dịch vụ cách ly y tế cho công dân từ Nhật Bản nhập cảnh về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên, bị cáo đã có hành vi nhận hối lộ 3 lần với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trần Tùng còn là người liên hệ trực tiếp để đặt vấn đề hỗ trợ cấp phép chuyến bay cho Công ty Én Việt. Thông qua hành vi làm trái công vụ như đã nêu trên, bị cáo Tùng đã hưởng lợi cá nhân số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Số tiền mà bị cáo Tùng được hưởng lợi chính là số tiền mà người khác bị thiệt hại. Do vậy, có đủ căn cứ kết luận hành vi của Trần Tùng đã cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo đưa hối lộ là đồng phạm với nhau, có người đưa số tiền hối lộ lớn để xin văn bản chấp thuận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cho công dân về nước.
Tuy nhiên, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác vơi cơ quan điều tra, khắc phục hậu quả… Do đó, cơ quan công tố phân hóa trách nhiệm với từng bị cáo.